Phát triển và khai thác dữ liệu số hiệu quả

.

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2023 là năm “Dữ liệu số quốc gia”, điều này khẳng định tầm quan trọng cũng như vai trò của dữ liệu số trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đang từng bước phát triển dữ liệu số, sử dụng dữ liệu để tạo ra các giá trị, dịch vụ mới.

Phát triển và khai thác dữ liệu số hiệu quả mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên phường Tân Chính hướng dẫn người dân dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: M.Q
Phát triển và khai thác dữ liệu số hiệu quả mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Đoàn viên thanh niên phường Tân Chính hướng dẫn người dân dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: M.Q

Hoàn thành các cơ sở dữ liệu nền

UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3269/QĐ-UBND ngày 18-10-2021 quy định về Kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng 2.0 và Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 11-1-2018 về Khung kiến trúc thành phố thông minh, trong đó có kiến trúc dữ liệu quy định các thành phần và mối quan hệ giữa các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền dùng chung, CSDL chuyên ngành, dữ liệu mở và các CSDL của bộ, ngành và các tổ chức bên ngoài.

Đến nay, thành phố hoàn thành xây dựng các CSDL nền như CSDL công dân (hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% dân số); CSDL doanh nghiệp (gần 44.000 dữ liệu, đạt 100% doanh nghiệp); CSDL nhân khẩu, hộ khẩu; CSDL cán bộ công chức viên chức (với hơn 33.600 dữ liệu, đạt 100%); CSDL thủ tục hành chính... Các CSDL nền này được kết nối, chia sẻ dùng chung qua nền tảng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố. Các cơ quan, địa phương đã xây dựng 560 CSDL và ứng dụng chuyên ngành như CSDL không gian quy hoạch đô thị, CSDL giáo dục nghề nghiệp, CSDL nguồn gốc thực phẩm, CSDL hộ tịch, CSDL lao động,... để phục vụ cung cấp dịch vụ công.

Thành phố hình thành và đưa vào sử dụng thí điểm Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố để thu thập, chuẩn hóa các CSDL nền và một số CSDL chuyên ngành phục vụ chia sẻ sử dụng chung và phân tích dữ liệu thông minh, ra quyết định chỉ đạo, điều hành. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục mở rộng Kho dữ liệu dùng chung để tăng khả năng thu thập, xử lý các dữ liệu phi và bán cấu trúc (dữ liệu camera, Internet vạn vạt (IoT), cảm biến, mạng xã hội...) để chia sẻ cho các ngành, địa phương sử dụng trong chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân. Thành phố triển khai mở dữ liệu của cơ quan Nhà nước và cung cấp dữ liệu dưới dạng dịch vụ để tạo ra giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp với Cổng Dữ liệu mở, đến nay đã cung cấp hơn 600 tập dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác. Việc sử dụng dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số, đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp không cần phải nộp lại một số thành phần giấy tờ (giấy đăng ký kinh doanh, hộ khẩu, chứng nhận quyền sử dung đất); thực hiện ngay trong ngày đối với thủ tục cấp đổi, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp bản giấy thành phần hồ sơ đối với kết quả số đã có trong Kho dữ liệu dùng chung.

Phát triển các mô hình kiến trúc và quản trị dữ liệu

Theo Kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng 2.0 và Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh, mô hình kiến trúc dữ liệu của thành phố đã và đang triển khai với 7 thành phần: CSDL dùng chung, CSDL chuyên ngành, dữ liệu chủ, Kho dữ liệu dùng chung thành phố, dữ liệu chủ đề, dữ liệu mở, Cổng dữ liệu thành phố. Nhiệm vụ đặt ra cho thành phố là tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ dữ liệu từ các thành phần trên, qua đó tạo nên một mô hình kiến trúc dữ liệu hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thông tin, song song với phát triển mô hình kiến trúc, một nhiệm vụ nữa thành phố đang thực hiện là xây dựng mô hình quản trị dữ liệu, qua đó xác định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ quản, quản lý, giám sát, kiểm soát và sử dụng dữ liệu. Cụ thể, chủ quản dữ liệu của thành phố là UBND thành phố, có vai trò cao cấp nhất trong mô hình quản trị dữ liệu thành phố với toàn quyền quyết định, sở hữu và kiểm soát toàn bộ dữ liệu của thành phố. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đóng vai trò là chủ quản dữ liệu được UBND thành phố ủy quyền, vừa thực hiện vai trò của người tạo lập, quản lý và cập nhật dữ liệu, cung cấp các dịch vụ chia sẻ dữ liệu, vừa chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu thuộc phạm vi quản lý. Đối tượng khai thác, sử dụng dữ liệu là Thành ủy, UBND, HĐND thành phố, các sở, ban, ngành địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục chuyển đổi số quốc gia cho biết, nhiệm vụ trước mắt trong năm 2023 của Đà Nẵng về dữ liệu số là cơ quan Nhà nước có thể sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu phát sinh từ máy móc để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp. Bên cạnh đó, cần tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần chơ cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở do cơ quan Nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Để làm được điều này, ông Tiến cho rằng Đà Nẵng cần sớm ban hành kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, danh mục CSDL dùng chung của thành phố. Song song đó, xây dựng kế hoạch triển khai năm dữ liệu trên địa bàn thành phố trên cơ sở Quyết định số 516/QĐ-BTTTT ngày 31-3-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia”.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.