Công nghệ
Thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến
Hiện nay, các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, từ đó thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu chính quyền số.
Các đơn vị, địa phương triển khai giải pháp tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến. TRONG ẢNH: Công chức bộ phận “Một cửa” của UBND quận Cẩm Lệ hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: M.Q |
Là đơn vị có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cao nhất khối UBND quận, quận Cẩm Lệ đang có nhiều giải pháp xây dựng chính quyền số năm 2023. Tính từ ngày 1-1 đến 27-4, quận tiếp nhận 5.753 hồ sơ, trong đó có 3.248 hồ sơ chứng thực, 2.505 hồ sơ khác. Tổng số hồ sơ trực tuyến là 2.482/2.505 hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 99%.
Ông Phạm Đăng Khoa, Chánh Văn phòng UBND quận Cẩm Lệ cho biết để có kết quả trên, quận triển khai tập huấn công tác số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính, trong đó số hóa tất cả hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh mới từ ngày 1-12-2022. Bên cạnh đó, quận tiếp tục ứng dụng cơ sở dữ liệu và các phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành theo danh mục chương trình triển khai của UBND thành phố.
Để tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và số hóa hồ sơ cao hơn, quận đặt ra các nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2023 như khai thác, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành; phân quyền khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính; hiệu chỉnh dữ liệu số hóa hộ tịch…
Với số lượng hồ sơ tiếp nhận lớn nhất trong khối sở, ban, ngành, Sở Công Thương vẫn bảo đảm tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt gần 100%. Theo đó, số lượng hồ sơ trực tuyến trong quý 1-2023 của sở đạt 5.515/5.527 hồ sơ, tỷ lệ 99,78%.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết để đạt tỷ lệ trên, sở tổ chức rà soát, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp theo hướng thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân là trung tâm; giao nhiệm vụ cho bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của sở cùng các phòng chuyên môn liên hệ, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của sở để thống nhất ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4 (toàn trình) đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, từ đó tạo thói quen ban đầu để dần hình thành lên thói quen sử dụng dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp.
Các thủ tục hành chính được niêm yết đầy đủ tại bảng niêm yết bộ phận một cửa, cũng như trang thông tin điện tử của Sở Công Thương tại địa chỉ: http://www.socongthuong.danang.gov.vn, hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố tại địa chỉ http://www.egov.danang.gov.vn và Cổng dịch vụ công thành phố dichvucong.danang.gov.vn.
Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 4-2023, số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 1.804, đạt 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4. Thành phố đã tích hợp 1.652 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, là địa phương thứ 6 có số lượng dịch vụ công nhiều nhất. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phát sinh trực tuyến là 382/409 dịch vụ, đạt tỷ lệ 93%.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, nhằm tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, gần đây nhất, sở ban hành Văn bản số 1062/STTTT-CNTT ngày 12-5-2023 về đưa vào sử dụng thêm chức năng thông báo các trạng thái hồ sơ dịch vụ công cho người dân qua zalo.
Theo đó, sở đã kết nối hệ thống với zalo để triển khai thêm chức năng thông báo các trạng thái hồ sơ dịch vụ công qua zalo để người dân có thông tin kịp thời, chủ động xử lý, bao gồm 5 trạng thái hồ sơ: đã nộp và chờ cán bộ một cửa tiếp nhận; cán bộ một cửa đã tiếp nhận và đang xử lý; bị từ chối; yêu cầu bổ sung; đã xử lý xong. Khi áp dụng chức năng trên, người dân thực hiện nộp hồ sơ như trước đây mà không phát sinh thêm yêu cầu về thao tác hay bổ sung thông tin gì khác.
Để tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, sở hướng dẫn các đơn vị, địa phương rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu số, đặc biệt sử dụng dữ liệu số để thay thành phần hồ sơ giấy, không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú; trao đổi với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của mình để thống nhất ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4 khi sử dụng thủ tục hành chính.
Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 4-3-2023 về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đặt ra 13 chỉ tiêu chính quyền số, trong đó các chỉ tiêu liên quan đến dịch vụ công trực tuyến là: tỷ lệ dịch vụ hành chính công đủ điều kiện triển khai toàn trình (mức 4) đạt 100%; dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 95%; hồ sơ hành chính công trực tuyến đạt 80%, dịch vụ sự nghiệp công cung cấp mức 4 đạt 50%; dịch vụ ngoài một cửa cung cấp mức 4 đạt 50%; thủ tục hành chính được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số đạt 5%; dịch vụ cấp lại, cấp đổi thực hiện ngay trong ngày đạt 30%; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính mới đạt 100% và 50% kết quả năm 2020-2022; 5 kết quả giải quyết thủ tục hành chính số được sử dụng lại... |
MAI QUẾ