Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

.

Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định quan điểm, chuyển đổi số là bước chuyển tất yếu nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số văn minh, an toàn, rộng khắp và bao trùm; là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển thành phố.

Cán bộ tăng cường hỗ trợ chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Ảnh: T.H
Cán bộ tăng cường hỗ trợ chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Ảnh: T.H

Từ quan điểm đó, hơn hai nămqua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, nỗ lực nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng Chính quyền điện tử (e-Government), Chính quyền số hướng đến xây dựng thành phố thông minh. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn chia sẻ, xác định rõ mục tiêu “Cải cách TTHC theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, do đó việc rà soát, đơn giản hóa TTHC trong năm 2022 tiếp tục tập trung vào các TTHC trên một số lĩnh vực nhạy cảm, cắt giảm chi phí về thời gian, tài chính, đồng thời gắn với công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố, qua đó đã đạt được một số kết quả nổi bật đáng kể.

Thành phố chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần như giảm thời gian giải quyết (tối đa đến 50% thời gian xử lý hồ sơ), hỗ trợ chi phí trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Về phí dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí TTHC, thành phố đã chủ động làm việc với một số ngân hàng, đơn vị cung cấp ví điện tử để tạm thời miễn phí dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí TTHC nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng.  Đồng thời xây dựng, hướng dẫn triển khai kho kết quả TTHC số. Theo đó, kho kết quả TTHC số kết nối với hệ thống giải quyết TTHC (Hệ thống “Một cửa” điện tử, cổng dịch vụ công) với kho dữ liệu số người dân (nền tảng công dân số), chứa dữ liệu và file kết quả TTHC số có giá trị pháp lý như bản giấy; chia sẻ cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC và người dân, doanh nghiệp để sử dụng lại các cơ sở dữ liệu.

Triển khai thí điểm dịch vụ công cấp độ 4 đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe trên địa bàn thành phố. Điểm đặc biệt của Đà Nẵng đó chính là việc thực hiện việc đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe.

Thành phố đã thông qua phương án kiến nghị đơn giản hóa TTHC trên địa bàn . Gần 90 TTHC được rà soát, đưa vào phương án kiến nghị đơn giản hóa. Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị tiếp tục triển khai, ban hành nhiều đề án, quy chế phối hợp liên thông liên kết trên nhiều lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực được triển khai từ thành phố đến phường, xã để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC. Hầu hết các TTHC của các sở, ngành địa phương được triển khai mức độ toàn trình, một phần (trừ TTHC có tính chất đặc thù, có quy định riêng). Tỷ lệ dịch vụ công trên địa bàn thành phố trong năm 2022 đạt 71%, quý 1 năm 2023 đạt 76%.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch, thành phố triển khai nhiều giải pháp để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương trong giải quyết TTHC. Trong đó, thực hiện cập nhật và xây dựng mới các chức năng trên hệ thống eGov thành phố để kịp thời kết nối, tích hợp, khai thác các dịch vụ từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với 3/3 dịch vụ được Bộ Công an chia sẻ (dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình; dịch vụ xác nhận số định danh công dân và số chứng minh nhân dân; dịch vụ tra cứu thông tin công dân với 20 trường dữ liệu).

Đến nay, thành phố có 1.835 dịch vụ công trực tuyến, đạt 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4; đã kết nối, tích hợp 1.656 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 93% (vượt chỉ tiêu thành phố năm 2022 là 85%, chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 80%), Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 73% (gấp 1,3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc; vượt chỉ tiêu thành phố năm 2022 là 65%, chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50%). Thành phố bắt đầu triển khai cung cấp trực tuyến 5 dịch vụ sự nghiệp công và 23 thủ tục ngoài “Một cửa”. Đặc biệt là thiết kế, xuất ra file điện tử để thay thế thành phần hồ sơ giấy (Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, Hộ khẩu, Giấy xác nhận cư trú) để phục vụ cung cấp dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị (người dân và doanh nghiệp không bắt buộc nộp bản giấy hoặc đề nghị công an phường/xã xác nhận giấy cư trú CT-07 để thay thế…). Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố phối hợp triển khai tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc qua ứng dụng VNEID.

Để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, Nghị quyết số 05-NQ/TU chỉ rõ, các cấp, các ngành, địa phương triển khai cung cấp và dùng lại kết quả hồ sơ, TTHC điện tử, sử dụng dữ liệu số để thay thế một số thành phần hồ sơ, TTHC, cắt giảm TTHC; chuẩn hóa quy trình và cung cấp qua mạng các dịch vụ sự nghiệp công; cung cấp kịp thời và chủ động các chính sách, quy định, thông tin chỉ đạo, điều hành của thành phố cho người dân, doanh nghiệp.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.