Sau thời gian thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 10 phường, xã, các địa phương đã đạt một số kết quả nhất định. Đây là tiền đề để các phường, xã khác trên địa bàn thành phố nỗ lực hoàn thành kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023.
Đoàn viên thanh niên UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) hỗ trợ người dân thông tin về chuyển đổi số. Ảnh: M.Q |
Hiệu quả thí điểm chuyển đổi số
Từ năm 2021 đến nay, có 7 phường, xã được UBND các quận, huyện đăng ký triển khai thí điểm chuyển đổi số theo Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 12-3-2021 của UBND thành phố về việc phê duyệt danh mục chương trình, dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin thành phố Đà Nẵng năm 2021 gồm: UBND phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), Phước Mỹ (quận Sơn Trà), Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), Hải Châu 1 (quận Hải Châu), Thạc Gián (quận Thanh Khê) và xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Bên cạnh đó, có 3 phường, xã ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp về bảo trợ, hỗ trợ thí điểm chuyển đổi số gồm: UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) và Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT; UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) và Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel Đà Nẵng; UBND xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) và Trung tâm kinh doanh Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Đà Nẵng.
Hiện nay, 10 UBND phường, xã trên tổ chức gần 50 buổi đào tạo, tập huấn cho hơn 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Danang Smart City, VNeID; hướng dẫn các hộ kinh doanh, tiểu thương đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Potsmart, Voso… Một số địa phương có cách làm sáng tạo trong triển khai các hoạt động xã hội số đến từng người dân, hộ gia đình như tổ chức các điểm hướng dẫn tạo tài khoản công dân điện tử, tạo tài khoản ngân hàng tại các khu dân cư, trường học, xây dựng clip hướng dẫn tạo tài khoản công dân số, tổ chức phát động thi đua chuyển đổi số tạo tài khoản công dân điện tử.
Ghi nhận tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), 14.400 nhân khẩu (khoảng 3.800 hộ dân) được thu thập dữ liệu trên phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung của phường, xã và nhập vào dữ liệu dân cư điện tử. Bên cạnh đó, xã triển khai cập nhật, bổ sung thông tin mở rộng cho công dân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt hơn 90%; tỷ lệ hồ sơ công dân, tổ chức nộp trực tuyến từ 75-80% theo lộ trình của thành phố; tạo tài khoản trực tuyến cho người dân đạt 60-70 %.
Ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, việc được chọn là địa phương thí điểm chuyển đổi số giúp công tác cải cách hành chính của xã ngày càng được nâng cao, thúc đẩy người dân ở khu vực nông thôn từng bước làm quen và sử dụng thành thạo các công nghệ hiện đại, tiện lợi. Thời gian tới, quận tiếp tục chỉ đạo các tổ công nghệ số cộng đồng tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp cập nhật liên tục các tiện ích mới. Riêng UBND phường nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số cấp phường, xã theo kế hoạch của thành phố.
Trong khi đó, UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) chủ động thiết kế sổ tay “thông tin chuyển đổi số” gồm các nội dung cơ bản và thiết yếu về chuyển đổi số để người dân có thể hiểu và nắm bắt. Song song đó, 37 tổ công nghệ số cộng đồng với 181 thành viên của phường với hạt nhân là “Đội thanh niên tình nguyện chuyển đổi số” luôn chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân bất cứ thời điểm nào khi người dân có thắc mắc. Ông Hà Thúc Nhơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc thông tin, việc đẩy mạnh chuyển đổi số mang nhiều lợi ích cho phường, nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến (không bao gồm chứng thực, hộ tịch) năm 2022 đạt 99,02% (năm 2021 là 88,89%).
25 chỉ tiêu chuyển đổi số cấp phường, xã
Từ kết quả thí điểm chuyển đổi số tại 10 phường, xã, thành phố xây dựng và đặt ra các chỉ tiêu chuyển đổi số liên quan cấp phường, xã trong năm 2023. Cụ thể, Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 4-3-2023 của UBND thành phố về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2023 đặt ra 40 chỉ tiêu và 35 nhiệm vụ, trong đó 25/40 chỉ tiêu liên quan cấp phường, xã (6 chỉ tiêu dữ liệu số; 13 chỉ tiêu chính quyền số và 6 chỉ tiêu xã hội số).
Một số chỉ tiêu dữ liệu số cấp phường, xã: xây dựng, ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung và kế hoạch về dữ liệu mở; 100% các địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LGSP); 100% trang, cổng thông tin điện tử được đánh giá an toàn thông tin và gắn nhãn tín nhiệm mạng.
Một số chỉ tiêu chính quyền số cấp phường, xã: 100% dịch vụ hành chính công đủ điều kiện triển khai toàn trình (mức 4); 100% báo cáo được thực hiện trực tuyến; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính mới được số hóa (50% kết quả năm 2020-2022); 95% dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến; 80% hồ sơ hành chính công trực tuyến; 70% người dân trưởng thành có tài khoản số và 1 kho dữ liệu số cá nhân trên hệ thống; 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…
Về xã hội số, trong năm 2023: 100% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% hộ gia đình có đường internet cáp quăng băng rộng; 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức dịch vụ tài chính được phép khác; 95% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 30% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử và 20% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố nhận định, để các phường, xã hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số, công tác tuyên truyền và tổ công nghệ số cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Sở đang phối hợp với UBND các phường, xã tuyên truyền cho người dân về tài khoản công dân số, kho dữ liệu số, kết hợp mã QR cá nhân từ nền tảng mã QR quốc gia; tiếp tục triển khai chính sách thúc đẩy người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng cách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến...
MAI QUẾ