Phát triển nguồn nhân lực số chuyên nghiệp, chất lượng cao là lợi thế đặc biệt quan trọng của thành phố trong thu hút đầu tư, nguồn lực phục vụ phát triển chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, đủ năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để giải quyết cung - cầu về nhân lực công nghệ số giữa cơ sở giáo dục, đào tạo và thị trường; bảo đảm đồng bộ giữa chất lượng và số lượng và phát huy được vai trò của cộng đồng xã hội.
Hầu hết các doanh nghiệp đều lên phương án để có thêm nguồn nhân lực số phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Nhân viên Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghệ thông tin Enouvo đang làm việc. Ảnh: C.T |
Kích hoạt vai trò của giáo dục và đào tạo
Theo Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 7-11-2022 của UBND thành phố về phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số đến năm 2025, việc phát triển nguồn nhân lực từ 4 nhóm đối tượng: các cơ quan Nhà nước; các doanh nghiệp công nghệ (CNTT) và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số; các cơ sở giáo dục, đào tạo và trong cộng đồng xã hội.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, 100% trường đại học đã chú trọng triển khai, hoàn thiện mô hình chuyển đổi số (quản trị số, kho học liệu số, dạy học trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến, thi trực tuyến, thư viện trực tuyến, học bạ điện tử...); 100% các cơ sở giáo dục phổ thông đã triển khai cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, phần mềm quản lý trường học, mỗi học sinh có mã ID gắn với học bạ điện tử, triển khai tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, xây dựng kho tài nguyên số, bài giảng điện tử, triển khai mạng lưới Internet vạn vật (IoT) giám sát trường học.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Nguyễn Minh Thành cho hay, để chuyển đổi số gần với học sinh, ngành GD&ĐT thành phố đang đẩy mạnh giáo dục STEM từ kết hợp 4 lĩnh vực: khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học.
Theo đó, sở đang phát triển chương trình giảng dạy STEM theo chuẩn quốc tế dưới sự kiểm định của các chuyên gia Đại học Đà Nẵng. Để thúc đẩy STEM, sở chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ, thường xuyên cử cán bộ có chuyên môn cao tham gia các khóa đào tạo trong nước và các khóa đào tạo quốc tế; đẩy mạnh hợp tác với những tổ chức và mô hình STEM tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, sở xây dựng thêm định hướng giáo dục STEAM, tức là tích hợp yếu tố nghệ thuật (Arts); đồng thời, hướng dẫn học sinh ứng dụng học thuật vào giải quyết những vấn đề lớn trong xã hội…
PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh, 5/6 trường đại học thành viên và 3/6 đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng đang đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT. Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng cũng đang đào tạo nhiều ngành khác có liên quan mật thiết và cung cấp nguồn nhân lực để làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số như kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, hệ thống nhúng, cơ điện tử…
Thời gian tới, Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình đào tạo theo hướng đặc thù để tăng chỉ tiêu; đồng thời để tạo điều kiện cho sinh viên gắn với doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết và thực tế, tăng thêm cơ hội việc làm cho người học. Hiện nay, đơn vị trực thuộc của Đại học Đà Nẵng là Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) đang đào tạo 13 ngành, chuyên ngành có liên quan chuyển đổi số.
Quy mô tuyển sinh của Trường VKU khoảng 1.500 sinh viên/năm, trong đó trên 90% chỉ tiêu đào tạo liên quan đến CNTT. Đặc biệt, VKU đang triển khai dự án “Nâng cao năng lực giáo dục - đào tạo, quản trị và nghiên cứu giai đoạn 2022-2026” với nguồn vốn hỗ trợ phát triển phần lớn từ các doanh nghiệp, tổ chức Hàn Quốc. Qua đó thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, truyền thông chất lượng cao và cấp học bổng cho sinh viên, khen thưởng bài báo khoa học, hỗ trợ kinh phí cho những người làm công tác nghiên cứu.
Một đơn vị thành viên khác của Đại học Đà Nẵng là Trường Đại học Bách khoa đang tăng cường xây dựng khung chương trình đào tạo, cập nhật theo xu hướng công nghệ mới; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, mời các chuyên gia có trình độ trong doanh nghiệp tham gia giảng dạy; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng CNTT trong giảng viên và sinh viên để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao; tham gia các chương trình kiểm định quốc tế như ASIIN, AUN-QA, HCERES... góp phần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng và trình độ ngoại ngữ cho sinh viên.
Đại học Đà Nẵng đã ban hành đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chuyển đổi số ngay trong trường đại học để nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả quản lý, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ nhân lực, từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…
Song song đó, Đại học Đà Nẵng tăng cường tuyển dụng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nâng cao trình độ, học hàm, học vị giảng viên để mở rộng quy mô, tăng số lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu; đồng thời mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, nhất là các ngành gắn với nhu cầu thực tiễn của chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực
Thời gian qua, UBND thành phố cũng như UBND các quận, huyện, sở, ban, ngành đã ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi số với các tập đoàn viễn thông, công nghệ lớn như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT… qua đó có thêm nguồn lực để phát triển chuyển đổi số nói chung và nhân lực số nói riêng. Qua ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp đều lên phương án để có thêm nguồn nhân lực số phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử, Tập đoàn FPT đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ (trường học, khu CNTT, trung tâm lưu trữ dữ liệu, công viên...), tạo môi trường sinh sống, học tập, làm việc dịch vụ tiện ích... tại Khu đô thị FPT Đà Nẵng nhằm thu hút lao động; hợp tác trường đại học, cao đẳng trong nước để đào tạo và cung cấp nhân lực CNTT chất lượng cao; hợp tác các tổ chức, trung tâm giao dịch việc làm để tìm nguồn nhân lực phù hợp… hay Công ty TNHH Axon Active Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho người không chuyên về CNTT; phối hợp với Trường Đại học Bách khoa tổ chức ngày hội lập trình viên (DevDay) từ năm 2015 đến nay.
Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, cho hay, hiệp hội sẽ tăng cường hợp tác với các trường đại học và tổ chức đào tạo trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp phần mềm.
Trong đó, hiệp hội sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo, liên kết với các trường đại học và tổ chức đào tạo để bảo đảm các doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện CNTT quy mô toàn thành phố, các hội thảo chuyên ngành nhằm xây dựng cộng đồng CNTT ngày càng vững mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp phần mềm tại Đà Nẵng.
Tăng nguồn nhân lực số từ cộng đồng xã hội cũng là giải pháp quan trọng trước yêu cầu chuyển đổi số cấp thiết hiện nay. Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đến tháng 6-2023, 100% phường, xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố với gần 2.500 tổ và 14.000 thành viên, trong đó Đoàn thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sống tại địa phương làm nòng cốt, qua đó hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ thiết thực: nộp hồ sơ dịch vụ công, đăng ký tài khoản công dân số VneID…
Về lực lượng nhân lực số trong cơ quan quản lý Nhà nước, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số, an toàn thông tin cho lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số, cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm chuyển đổi số có thêm kiến thức và cập nhật các xu hướng công nghệ mới. Sở sẽ tham mưu thành phố hình thành mạng lưới chuyên gia để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là tư vấn giải quyết các “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số của thành phố.
MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG