Sức hút nhân lực ngành vi điện tử

.

Tại hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực sản xuất chip bán dẫn và mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư vi điện tử” do Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức ngày 29-9, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này khẳng định sức hút của ngành khá cao trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các sinh viên cần có kiến thức tốt, rèn luyện kỹ năng, nhất là trình độ ngoại ngữ.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa đặt câu hỏi trực tiếp với doanh nghiệp bên lề hội thảo. Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa đặt câu hỏi trực tiếp với doanh nghiệp bên lề hội thảo. Ảnh: NGỌC HÀ

Trên địa bàn thành phố, một số công ty lĩnh vực bán dẫn tiêu biểu đã có mặt như: Công ty Synopsys Việt Nam, Renesas, Savarti, Synapse, VHT (Viettel)… và đội ngũ kỹ sư của họ tạo dấu ấn với những sản phẩm chất lượng. 

Theo ông Đinh Quang Trường, Phó Giám đốc kỹ thuật, Công ty Synapse Design Vietnam, hiện tại, nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn tại Đà Nẵng chủ yếu sinh viên của Trường ĐH Bách khoa. Với số lượng kỹ sư tốt nghiệp hàng năm đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại của các công ty chip bán dẫn ở khu vực Đà Nẵng, ngoài ra còn cung cấp được thêm một phần nguồn nhân lực cho các công ty ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

“Hiện ngành bán dẫn có mức độ canh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước (cả Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn. Do đó, để giữ chân kỹ sư giỏi là điều các doanh nghiệp rất quan tâm. Riêng Công ty Synapse Design Vietnam, một số giải pháp đã được đưa ra như: cải thiện thu nhập, có định hướng phát triển sự nghiệp rõ ràng cho các kỹ sư, các chương trình làm việc onsite ở nước ngoài, các hoạt động quan tâm đến đời sống của nhân viên…”, ông Đinh Quang Trường chia sẻ.

Ông Nguyễn Bảo Anh, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa (khóa 2002-2007), Giám đốc Kỹ thuật phụ trách phát triển các dự án công nghệ cao, Trưởng Văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng cũng cho biết, dự kiến nhân sự của đơn vị ở mảng bán dẫn tăng gấp đôi trong các năm tới.

Khoa Điện tử Viễn thông trong giờ học thực tế.Ảnh: NGỌC HÀ
Khoa Điện tử Viễn thông trong giờ học thực tế.Ảnh: NGỌC HÀ

Liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường bán dẫn, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, lĩnh vực Vi điện tử (công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch), nhà trường có gần 30 môn học bao gồm từ công nghệ đến thiết kế, được triển khai trong các chương trình đào tạo thuộc các khoa: Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin, Khoa học công nghệ và tiên tiến, Điện và Cơ khí. Ngoài các giờ học lý thuyết, sinh viên được tiếp cận thực hành với các phần mềm thường được sử dụng trong đào tạo kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn. Về cơ bản, sinh viên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế dùng trong vi mạch bán dẫn, có thể phần lớn đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty thiết kế vi mạch trên thị trường.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của công nghệ, bao gồm Internet of Things (IoT), Artificial Intelligence (AI) và các ứng dụng mới khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, ô-tô tự hành và năng lượng tái tạo, cũng đặt ra nhu cầu cao cho nguồn nhân lực trong ngành Vi điện tử (công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch). Để đẩy mạnh hơn nữa trong việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này, dự kiến từ năm 2024, nhà trường sẽ mở thêm chuyên ngành Vi điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu .

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, sinh viên qua quá trình học tập tại nhà trường có kiến thức cơ bản tốt nhưng chưa đủ để có thể làm việc ngay cho các doanh nghiệp, mà thường phải trải qua một giai đoạn đào tạo ở các doanh nghiệp. Do đó, để đáp ứng được ngay yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, sinh viên ngành Vi điện tử cần có kiến thức tốt, rèn luyện kỹ năng, nhất là trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), nắm vững ngôn ngữ lập trình (TCL, PERL, Python…). Các doanh nghiệp hy vọng việc ra đời của chuyên ngành Vi điện tử của Trường ĐH Bách khoa sẽ giúp cung cấp nguồn kỹ sư chất lượng cho thị trường lao động bán dẫn.

“18 năm trong nghề, đến bây giờ tôi vẫn dùng kiến thức của một số môn đã học ở giảng đường đại học. Khi đó, tôi cố hết sức để học tốt nhất có thể ở các môn, sau này ra trường đi làm khi kết nối các kiến thức lại mới thấy hữu dụng, nhất là lúc chúng ta ở vị trí quan trọng của công ty, phải ra những quyết định về thiết kế. Vì vậy, các bạn cần tập trung học thật tốt các kiến thức nền, đồng thời tăng cường trao dồi tiếng Anh, kỹ năng mềm, học hỏi kinh nghiệm ở học kỳ doanh nghiệp… Synopsys Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo tập trung nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp nhưng chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và hy vọng sớm có chương trình này tại Đà Nẵng”, ông Nguyễn Bảo Anh chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.