Tại Geneva, ngày 27-9, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã tổ chức lễ công bố Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2023.
Theo đó, đứng đầu danh sách là các nước Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ và Anh. Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57, trong khi chỉ số về đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40. Đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột là thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp. Đầu ra gồm 2 trụ cột là sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, sau Ấn Độ (xếp hạng 40). Có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (xếp hạng 12), Malaysia (xếp hạng 36), Bulgaria (xếp hạng 38), Thổ Nhĩ Kỳ (xếp hạng 39) và Thái Lan (xếp hạng 43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam xếp sau Singapore (xếp hạng 5), Malaysia và Thái Lan.
Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Iran). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (cùng với Ấn Độ và CH Moldova).
Năm 2023, chỉ số GII có một số thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần. Trong đó, có chỉ số mới về khởi nghiệp (start-up) như “Giá trị của các doanh nghiệp kỳ lân” (Việt Nam được xếp hạng 33). Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước. Tuy nhiên, chi phí R&D của top 3 doanh nghiệp lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022. Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm dù còn nhỏ nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn so với năm 2022, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so với năm 2022. Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo ISO, theo đó chỉ số về giá trị ISO 9001/tỷ $PPPGDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023.
Theo Báo Tin tức