Sự phát triển của Gen Z, nền kinh tế độc thân, video ngắn hay trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là các xu hướng mạng xã hội nổi bật trong năm 2024 tại Việt Nam.
Năm xu hướng trên mạng xã hội mà doanh nghiệp cần lưu ý trong năm 2024. |
Đối với các doanh nghiệp đang chú trọng xây dựng các kênh chăm sóc khách hàng, các nền tảng mạng xã hội của Meta như Facebook, Instagram, Messenger,... mang tới một ưu điểm vượt trội so với các nền tảng truyền thống như email hay tìm kiếm, đó là khả năng phản hồi và tạo ra nhu cầu. Do đó, việc bắt kịp các xu hướng sẽ trở thành một công cụ hiệu quả để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Khôi Lê - Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam của Tập đoàn Meta, đơn vị sở hữu nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã chia sẻ những xu hướng mạng xã hội nổi bật trên các nền tảng của Meta mà doanh nghiệp không thể bỏ qua trong năm 2024.
Sự phát triển của thế hệ Gen Z
Gen Z (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2012) đang dần gia tăng sức ảnh hưởng khi họ bắt đầu có thu nhập, mở tài khoản ngân hàng và tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Hiện tại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có hơn 500 triệu người thuộc thế hệ Gen Z.
Ước tính đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm tới một phần tư dân số khu vực. Báo cáo thường niên SYNC do Meta thực hiện cho thấy Gen Z sẽ là một phân khúc có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á khi giới trẻ tại đây có lối sống gắn liền với công nghệ và các thiết bị số, với 82% người tham gia khảo sát cho biết họ đang tham gia vào các cộng đồng trực tuyến.
Nền kinh tế độc thân
Báo cáo SYNC cho thấy xu hướng hộ gia đình ít thành viên hay một thành viên đang ngày càng trở nên phổ biến khi có tới 3 quốc gia Đông Nam Á nằm trong nhóm 10 quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương đang dẫn đầu xu hướng chuyển đổi sang hình thức hộ gia đình độc thân.
Xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của hộ gia đình nhỏ và độc thân ở Việt Nam. (Nguồn: Meta) |
Tại Việt Nam, hộ gia đình nhỏ và độc thân là các nhóm có mức độ tăng trưởng nhanh nhất với 1,1% tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm từ năm 2023 đến năm 2030.
Xu hướng này thúc đẩy sự gia tăng của các sản phẩm dùng một lần, đồ điện gia dụng và sản phẩm thiết yếu cỡ nhỏ. Ngoài ra, những người tiêu dùng độc thân thường có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị điện tử cá nhân và mạng xã hội, tham gia các cộng đồng trực tuyến và theo dõi các nhà sáng tạo nội dung.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Năm 2023 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của AI cũng như công nghệ Generative AI (AI tạo sinh). Meta đang cung cấp các nền tảng có sức ảnh hưởng lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Khôi Lê, báo cáo cho thấy có tới 45% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử sau khi xem thông tin trên Facebook/Instagram và 20% người tiêu dùng mua hàng trực tiếp trên Facebook.
Ngoài ra, AI cũng góp phần thúc đẩy hiệu suất quảng cáo khi các nền tảng của Meta sử dụng AI để tăng cường tính năng tự động hóa cho các nhà quảng cáo.
Kết hợp với công nghệ AI tiên tiến, ông Khôi Lê cho biết Meta sẽ tiếp tục tăng cường các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả kinh doanh trong năm 2024.
Kinh doanh Hội thoại
Càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp chuyển sang sử dụng tin nhắn để thực hiện các hoạt động thương mại. Nghiên cứu từ Boston Consulting Group (BCG) và Meta cho thấy cứ 3 người tiêu dùng Việt Nam thì sẽ có ít nhất 1 người nhắn tin cho doanh nghiệp ít nhất 1 lần/tuần.
Người tiêu dùng Việt lựa chọn kênh nhắn tin nhiều hơn để kết nối cùng doanh nghiệp. (Nguồn: Meta) |
Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ sử dụng Kinh doanh Hội thoại cao nhất khi có tới 73% người tham gia khảo sát sử dụng tính năng này để tương tác với các doanh nghiệp.
Theo ghi nhận từ các nhà quảng cáo, giải pháp Kinh doanh Hội thoại của Meta giúp giá trị đơn hàng tăng 22%, đem lại hiệu quả cao hơn so với các kênh truyền thống như tin nhắn SMS, email hay các ứng dụng khác.
Ông Khôi Lê nhận định vào năm 2024, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển và người dùng có thể thực hiện nhiều hoạt động hơn thông qua tin nhắn như đặt chỗ khi đi du lịch, đặt lịch hẹn, nhận hỗ trợ hay mua sắm.
Video ngắn
Các hình thức video ngắn đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới và đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo của Meta và Factworks cho thấy thế hệ Millennial gắn kết với tính năng Reels (dạng video ngắn trên Facebook), trong khi tỉ lệ những người thuộc thế hệ Gen Z theo dõi hoạt động của doanh nghiệp trên nền tảng số, gắn thẻ thương hiệu hoặc sản phẩm trong bài đăng, và mua sản phẩm sau khi xem Reels cao hơn.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ Reels cũng trở thành cách thể hiện sự quan tâm, với 84% người được khảo sát tại châu Á-Thái Bình Dương cho biết họ thường chia sẻ Reels với bạn bè hoặc gia đình.
Nội dung từ các nhà sáng tạo trên Reels cũng ảnh hưởng đến cách người tiêu dùng Việt Nam mua sắm. 67% người tham gia khảo sát cho biết họ tìm ra các thương hiệu và sản phẩm phù hợp từ các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng của Meta ít nhất hàng tuần, cao hơn khoảng 20% so với các nền tảng khác.
Nhận định về xu hướng trên, ông Khôi Lê đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp: “Năm 2024 sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn của các quy trình tiếp thị truyền thống. Kỷ nguyên của giai đoạn nhận thức, cân nhắc và mua hàng một chiều sẽ dần biến mất dưới tác động của chuyển đổi số. Để tiếp tục phát triển, các nhà tiếp thị phải chuyển đổi sang một cách tiếp cận khác linh hoạt và toàn diện hơn. Vì vậy, năm 2024 sẽ mở ra một cánh cổng mới cho ngành tiếp thị".
Theo vietnamplus.vn