Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả rõ nét, là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo chuyển đổi số từ thành phố đến phường, xã trong công tác hướng dẫn người dân tiếp cận các tiện ích từ công nghệ số. Tuy nhiên, đến nay tổ vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Tập huấn chuyển đổi số cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tại phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu). Ảnh: T. HUY |
Chuyển đối số bắt đầu từ người dân
Thành phố xác định, mục tiêu chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Bắt đầu từ tháng 4-2022, UBND thành phố ban hành công văn triển khai tổ công nghệ số trên toàn thành phố, trong đó UBND các phường, xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Tính đến nay, có gần 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 15.000 tình nguyện viên tham gia. Đây là mô hình hướng đến việc giúp đỡ, đưa nguời dân lên môi trường số, hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số.
Chủ tịch UBND xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) Lê Đức Hùng cho biết, từ năm 2022-2023, tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn đã hướng dẫn người dân khai báo y tế, tạo tài khoản công dân điện tử, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội. Tổ công nghệ số hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số (ứng dụng Da Nang Smart City; ứng dụng Góp ý; ứng dụng Cổng dịch vụ công), tạo tài khoản thanh toán điện tử trên các sàn thương mại điện tử...
Cùng với nhiệm vụ triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Tổ công tác Đề án 06/CP ở thôn ra đời. Các thành viên của tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân cài đặt ứng dụng VneID, đăng ký mã định danh, kích hoạt mức 2, hoàn thành chỉ tiêu 100% mã định danh được kích hoạt mức 2; hỗ trợ, hướng dẫn người dân thao tác trên các ứng dụng, phần mềm; tổng hợp số liệu, đánh máy, gửi báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng cho xã.
Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) Võ Lê Anh cho biết, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng công nghệ phòng chống Covid-19; tạo tài khoản công dân điện tử, tài khoản công dân số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số. Đặc biệt, trên địa bàn phường, việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến với vai trò các thành viên Tổ công nghệ số rất nổi bật.
Tại diễn đàn “HĐND với cử tri” lần thứ 5 do Thường trực HĐND thành phố tổ chức, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Nguyễn Quang Thanh nhìn nhận, thành tựu quan trọng trong việc chuyển đổi số của thành phố có phần lớn công sức của tổ công nghệ số cộng đồng. Theo đó, các thành viên của tổ làm nòng cốt hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân điện tử và nộp hồ sơ trực tuyến, thực hiện một số dịch vụ điện tử khác, hướng dẫn công dân thực hiện bảo hiểm xã hội số, bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản ngân hàng, đất đai, hộ khẩu, căn cước công dân... Hoạt động tổ giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống. Nhiều kết quả, thành tựu về chuyển đổ số của thành phố thời gian qua có phần lớn công sức của tổ công nghệ số cộng đồng.
Chưa có kinh phí hoạt động
Cũng tại diễn đàn nói trên, ông Thanh cho biết, mặc dù hoạt động hiệu quả là thế, mang lại kết quả tích cực cho thành phố với nhiều thành tựu đáng kể, nhưng đến nay chưa có chính sách hỗ trợ cho hoạt động của tổ này.
Ông Nguyễn Quốc Danh, cử tri quận Hải Châu cho biết, chuyển đổi số là hoạt động chưa có tiền lệ và mô hình tổ công nghệ số cộng đồng cũng là mô hình mới ở thành phố Đà Nẵng. Do đó, trong hoạt động, thành viên tổ vẫn còn nhiều lúng túng trong quá trình triển khai. Hầu hết các thành viên tổ hoạt động kiêm nhiệm. Công tác vận động, hướng dẫn trực tiếp cho người dân phải thực hiện ngoài giờ hành chính. Tuy nhiên, đến nay chưa có một nguồn kinh phí hỗ trợ nào hết. Mọi người trong tổ đều làm công không. Để tổ hoạt động hiệu quả hơn, cần cơ chế hỗ trợ hợp lý.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) Phan Thùy Dung, suy cho cùng, 3 trụ cột trong chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số muốn có hiệu quả, chất lượng hay không, vai trò và tầm quan trọng của tổ công nghệ số cộng đồng rất lớn. Thông qua tổ này, các chủ trương, chính sách từ Trung ương đến thành phố, quận, phường mới đến được với người dân. Người dân là nơi cuối cùng tiếp thu cũng là đối tượng triển khai để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách đó, như cách nói “đưa nghị quyết đi vào cuộc sống” là vậy. “Gần như mọi việc, đều do anh em trong tổ làm hết. Mà hầu như làm ngoài giờ, làm các ngày nghỉ, lễ. Nhưng đến nay, anh em làm vì trách nhiệm chứ chưa có kinh phí hỗ trợ bất cứ nội dung gì”, bà Dung nói.
Được biết, hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các địa phương tổng hợp đề xuất để có cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.
MINH SƠN