Trợ lực từ chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao

.

Sau gần 5 năm triển khai nhiệm vụ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao do UBND thành phố giao, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã ươm tạo cho 7/9 dự án từ 15 dự án tham gia dự tuyển, trong đó có 5 dự án đã tốt nghiệp. Các dự án bước đầu đạt những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố.

Bà Lynne Gadkowski (thứ 4, bên phải sang), Tham tán kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam làm việc với đại diện dự án Xử lý, tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải. Ảnh: M.Q
Bà Lynne Gadkowski (thứ 4, bên phải sang), Tham tán kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam làm việc với đại diện dự án Xử lý, tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải. Ảnh: M.Q

Xử lý, tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải được xem là một trong những dự án thành công nhất của chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao do Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao Đà Nẵng chủ trì thực hiện. Ngày 24-10-2022, dự án được Tổ chức đối tác thành phố thông minh Hoa Kỳ - ASEAN (USASCP, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) tài trợ 200.000 USD để nghiên cứu, triển khai dự án giai đoạn 1 và được xếp là một trong top 6 dự án của châu Á được nhận mức tài trợ cao nhất.

Thời điểm nhận tài trợ, dự án vẫn chưa tốt nghiệp khóa ươm tạo nhưng được đánh giá cao về công nghệ xanh khi kết hợp hệ thống sản xuất tự động với trí tuệ nhân tạo để giải quyết xử lý và tái chế pin năng lượng mặt trời.

Ngay sau khi tốt nghiệp vào cuối năm 2022, dự án triển khai thiết kế mô hình dây chuyền xử lý tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải; triển khai chế tạo các chi tiết thiết bị và lắp đặt dây chuyền sản phẩm mẫu, nghiên cứu tạo ứng dụng thu gom vật liệu phế thải công nghiệp; hoàn thiện mô hình kinh doanh, bộ nhận dạng thương hiệu, các thủ tục tài chính, thuế khi tiếp nhận nguồn quỹ nước ngoài. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành dây chuyền tái chế mẫu với 5 mô-đun.

Ông Đỗ Thế Cần, đồng sáng lập dự án đánh giá: “Chương trình ươm tạo của Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp về mọi mặt, từ khâu bồi dưỡng chuyên môn quản trị doanh nghiệp cho đến hỗ trợ kết nối với các cơ quan Nhà nước, hướng dẫn các chính sách liên quan cũng như tìm kiếm các đầu mối liên hệ, kết nối trong hệ sinh thái dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Một trog những hỗ trợ đáng chú ý nhất là kết nối đến các quỹ tài chính hỗ trợ khởi nghiệp như USASCP. Chúng tôi đã thành lập Công ty CP 5RTech với 25 nhân sự phát triển từ dự án. Trong năm 2024, dự án tiếp tục hoàn thiện sản phẩm mẫu và đưa ra những bản cải tiến cho từng mô-đun để đạt mục tiêu thương mại hóa sản phẩm trong tương lai, đồng thời kết nối với các nhà đầu tư để triển khai thí điểm các dự án tái chế pin trên nền tảng công nghệ do 5RTech phát triển. Chúng tôi tiếp tục tìm các nhà đầu tư tiềm năng để hợp tác xây dựng nhà máy với quy mô dự kiến 2ha tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng”.

Trong khi đó, dự án Nympha - Hoa súng xanh là 1 trong 2 dự án đang tham gia chương trình ươm tạo. Đại diện dự án đã xây dựng vùng trồng nguyên liệu hơn 1ha tại huyện Hòa Vang, kết hợp du lịch sinh thái bền vững và trải nghiệm sử dụng các sản phẩm từ hoa súng ngay tại vùng trồng. Mô hình này tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn; đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho khách du lịch trong ngày, người dân đô thị và trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên.

Ông Đặng Thái Lâm, đại diện dự án cho biết, dự án đang phát triển vùng trồng và thương mại sản phẩm, kết hợp với hỗ trợ từ Trung Tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để kêu gọi thêm vốn đầu tư để mở rộng vùng trồng và công nghệ máy móc sản xuất.

Ngoài 2 dự án trên, các dự án được ươm tạo trong chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao cũng đạt nhiều kết quả như: đại diện dự án Vi sinh Xứ Tiên (tốt nghiệp cuối năm 2021) đã xây dựng khu nhà xưởng sản xuất 1.700m2, doanh thu trung bình 400-500 triệu đồng/tháng với tỷ lệ lợi nhuận 20%; hợp tác với 2 doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau và Tây Ninh để thương mại 2 dòng sản phẩm tinh chất đạm cá biển và phân bón hữu cơ PT-ORGANIC. Đại diện dự án Tảo Việt Algaevi (tốt nghiệp cuối năm 2021) thành lập Công ty CP ABR và tiếp tục hợp tác với một số đơn vị liên quan trên cả nước để thực hiện chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm…

Ông Lê Tuấn Khanh, Giám đốc Trung Tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thông tin, trong năm 2024, Trung tâm phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp xây dựng và hoàn thiện quy chế hỗ trợ ươm tạo với những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án tham gia ươm tạo trên cơ sở Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1-2-2024 của Chính phủ ban hành quy định về Khu công nghệ cao, trong đó quy định một số hoạt động liên quan đến ươm tạo công nghệ cao.

Bên cạnh đó, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tăng cường kết nối, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp, trường đại học và các chuyên gia để hỗ trợ về mặt pháp lý, kiến thức chuyên môn, cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm mục đích thúc đẩy phát triển công nghệ, cùng khai thác các nguồn lực trong hệ sinh thái để phục vụ cho hoạt động ươm tạo, đào tạo và nghiên cứu, phát triển tại Khu Công nghệ cao.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.