Mảng băng Nam Cực đang tan nhanh đến mức không thể dự báo mực nước biển dâng

.

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh chỉ ra mang băng Nam Cực đang tan chảy theo một tốc độ mà các mô hình khoa học dự đoán nước biển dâng từ trước đến nay không thể áp dụng và dự báo.

Băng tại Nam Cực đang tan nhanh do nước biển ấm lên. Ảnh: CNN
Băng tại Nam Cực đang tan nhanh do nước biển ấm lên. Ảnh: CNN

Theo một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học Nature Geoscience ngày 25-6, các nhà khoa học làm việc tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh đã phát hiện ra nước biển ấm đang thấm bên dưới “đường tiếp đất” của tảng băng gây ra hiện tượng tan chảy nhanh chóng có thể dẫn đến điểm tới hạn (mức độ không thể cứu vãn được). Đường tiếp đất là khu vực tiếp giáp giữa các mảng băng và mặt đất. Đây cũng là điểm mà băng tách rời khỏi đất và bắt đầu trôi nổi.

Nghiên cứu chỉ ra nhiệt độ đại dương tăng lên một chút cũng có thể có tác động rất lớn đến lượng băng tan. Khi biến đổi khí hậu làm nóng các đại dương, quá trình này sẽ tăng tốc.

Alex Bradley, nhà nghiên cứu động lực học băng kiêm tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Dòng băng chảy nhanh hơn vào đại dương, theo một quá trình mà chưa từng xuất hiện trong các mô hình dự báo mực nước biển dâng nào”.

Mặc dù nghiên cứu chỉ ra những tác động từ dòng chảy băng tan sẽ không được cảm nhận ngay lập tức, nhưng thế giới sẽ chứng kiến ​​mực nước biển dâng cao hơn, tích tụ trong hàng chục và hàng trăm năm, đe dọa các cộng đồng ven biển trên toàn cầu.

Nghiên cứu không đưa ra khung thời gian khi nào chúng ta chạm được đến điểm tới hạn cũng như không đưa ra số liệu về mức độ mực nước biển dâng có thể xảy ra. Theo những dữ liệu trước đây, lượng băng thoát ra từ Nam Cực mỗi năm trung bình là 150 tỷ tấn và toàn bộ dải băng tại khu vực chứa đủ nước để nâng mực nước biển toàn cầu lên 58 mét.

Theo ông Eric Rignot, giáo sư khoa học về hệ thống Trái Đất tại Đại học California ở Irvine, nghiên cứu của Anh khuyến khích giới khoa học và địa chất xem xét kỹ hơn các quá trình vật lý diễn ra trong đường tiếp đất.

“Đây là một khu vực rất phức tạp, chưa được chú ý nhiều và cần nhiều nghiên cứu cũng như quan sát thực địa hơn. Chúng ta cần thiết lập quá trình kiểm soát sự xâm nhập của nước biển bên dưới lớp băng và tìm hiểu chính xác điều này ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tan băng”, Giáo sư Eric kết luận.

Nghiên cứu trên không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra những khu vực dễ bị tổn thương của Nam Cực trước một cuộc khủng hoảng khí hậu. Một loạt nghiên cứu trước đó đã chỉ ra khu vực Tây Nam Cực, đặc biệt là Sông băng Thwaites - Sông băng Ngày tận thế, dễ bị tổn thương và gây ra những tác động thảm khốc khi làm mực nước biển dâng.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.