Thay đổi phương thức tiếp cận thông tin bằng truyền thanh thông minh

.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin và mạng internet đòi hỏi lĩnh vực phát thanh truyền thống cần chuyển đổi số, đa dạng chất lượng nội dung và phương thức tiếp cận tới độc giả. Truyền thanh thông minh đang được các địa phương trên địa bàn thành phố lựa chọn để truyền tải thông tin đến gần hơn với người dân.

Truyền thanh, truyền hình số là xu hướng phát triển sản phẩm công nghệ số.  Ảnh: CHIẾN THẮNG
Truyền thanh, truyền hình số là xu hướng phát triển sản phẩm công nghệ số. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Hiện nay, truyền thanh thông minh (IP) được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần tạo ra một kênh phản hồi với cách tiếp cận nội dung hoàn toàn mới so với phát thanh truyền thống. IP sử dụng công nghệ truyền dẫn thông tin số qua môi trường truyền dẫn gói tin bằng internet, 3G/4G, sóng wifi, sau đó gửi thông tin đến đầu thu nhờ vào địa chỉ truy cập của từng thiết bị.

Về mặt kỹ thuật, công nghệ, IP sẽ khắc phục được các nhược điểm của phát sóng FM, cụ thể như phủ sóng ở mọi nơi, mọi điều kiện miễn là có mạng internet; chất lượng âm thanh tốt, không bị nhiễu, chèn sóng lạ; vận hành, quản lý, giám sát, lưu trữ đơn giản qua nền tảng điện toán đám mây (cloud computing). Đồng thời, với công nghệ IP, cán bộ kỹ thuật có thể điều khiển phát, tắt - mở, lập lịch cho các đài tự động phát dễ dàng bằng máy tính hay thiết bị di động cầm tay; giám sát và hiệu chỉnh âm lượng của các cụm loa từ xa. Việc quản lý đài có thể phân cấp quản lý rõ ràng từ tỉnh xuống tận thôn, xóm.

Một số quận, huyện trên địa bàn thành phố đang tập trung phát triển nền tảng IP, qua đó nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều người dân. Ông Nguyễn Thành Nam (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho hay, khi biết sắp tới trên địa bàn xã sẽ sử dụng IP thay cho loa truyền thống, ông và hàng xóm vô cùng vui mừng. Qua tìm hiểu, ông biết được IP có nhiều mặt ưu việt so với hệ thống loa truyền thống khi các bản tin phát linh hoạt, chất lượng âm thanh tốt, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chèn sóng, nhiễu sóng, độ bảo mật cao, lịch phát thanh được đặt theo giờ, ngày hoặc tuần...

Nhiều doanh nghiệp viễn thông đã tham gia vào phát triển IP tại Đà Nẵng và đạt được một số hiệu quả nhất định. Tiêu biểu như giải pháp truyền thanh IP của Viettel, VNPT, MobiFone đang đóng vai trò như một hệ sinh thái xây dựng các kế hoạch nông thôn mới tại địa phương, giúp thành phố sớm đạt thành phố thông minh, trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân. Trên thực tế, để triển khai công nghệ IP xuống các đài truyền thanh cơ sở cần thời gian và nhiều việc phải làm. Mặt khác, ưu điểm của công nghệ IP là tính bảo mật cao hơn so với hệ thống FM, song các nhà mạng di động cần bảo đảm cung cấp đường truyền tải dạng truyền kênh riêng để bảo mật tuyệt đối thông tin.

Ngày 10-5-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin cơ sở. Theo đó, đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện sẽ dừng phát sóng, tiếp sóng trước ngày 31-12-2025. Sau khi nghị định có hiệu lực, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện có thể chuyển từ hình thức sản xuất, phát sóng, truyền thanh là chủ yếu sang truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng sử dụng hạ tầng viễn thông. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Sở TT&TT đã tiến hành khảo sát để triển khai tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Trong đó, 2 khu vực được chọn để thực hiện thí điểm là huyện Hòa Vang và quận Sơn Trà. Đến nay, quận Sơn Trà đã thiết đặt 20 bộ IP, trong đó, chia đều vào 2 phường An Hải Bắc và Nại Hiên Đông. Tương tự, huyện Hòa Vang đã thực hiện từng bước chuyển đổi hệ thống loa truyền thống sang sử dụng IP với việc hạn chế nâng cấp, mua sắm trang thiết bị mới đối với các cụm thu, loa phát thanh FM truyền thống, cùng với đó là tăng cường sử dụng, truyền thông cho người dân biết về những tiện ích của các cụm thu IP.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang Phạm Hùng, trong các phương án số hóa truyền thanh, huyện Hòa Vang đã xem xét phương án số hóa theo công nghệ truyền dẫn IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng internet hay sóng di động 3G/4G, sóng wifi thay vì phát thanh thông qua sóng FM truyền thống. Tính đến nay, huyện đã lắp đặt được khoảng 44 cụm thu IP tại 11 xã làm tiền đề để phủ sóng IP trên toàn địa bàn Hòa Vang. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã tham mưu lộ trình trang bị IP cho toàn bộ các khu vực trên địa bàn huyện; trước mắt sẽ hỗ trợ lắp đặt thiết bị cho 5 xã: Hòa Nhơn, Hòa Sơn và Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Phước.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.