Đà Nẵng - Nghiên cứu khoa học đi đôi với ứng dụng thực tiễn

.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện đều có địa chỉ ứng dụng cụ thể, có cam kết của đơn vị ứng dụng.

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo robot tự hành diệt khuẩn bằng tia UV-C phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế”. Ảnh: THANH THẢO
Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo robot tự hành diệt khuẩn bằng tia UV-C phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế”. Ảnh: THANH THẢO

Hoàn thiện chính sách và đẩy mạnh công tác nghiên cứu

Để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách, định hướng nghiên cứu để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân: Quyết định số 5046/QĐ-UBND và Quyết định số 2237/QĐ-UBND về việc phê duyệt các chương trình nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2017-2025); Quyết định số 872/QĐ-UBND của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 188/KH-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về  thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới...

Bên cạnh đó, hoạt động khen thưởng được tiến hành định kỳ hằng năm và thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 248/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Về công tác quản lý, sở luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học khi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Trong giai đoạn 2023-2024, Sở KH&CN tổ chức triển khai 104 nhiệm vụ các cấp, trong đó có 1 dự án thuộc chương trình Nông thôn miền núi, 90 đề tài cấp thành phố và 13 đề tài cấp cơ sở nghiên cứu trên mọi lĩnh vực đời sống.

Chú trọng khâu đặt hàng nghiên cứu

Trong giai đoạn gần đây, đa số các nghiên cứu được thực hiện để góp phần giải quyết các vấn đề cụ thể của các ngành và thành phố. Vừa qua, có nhiều đặt hàng nghiên cứu từ Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ban, ngành như: nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Đà Nẵng; nghiên cứu xác định nguyên nhân - cơ chế gây xói lở, bồi tụ và đề xuất các giải pháp bảo vệ ổn định vùng cửa sông Cu Đê và Vịnh Đà Nẵng; nghiên cứu khả năng di thực của các loài cây bản địa đặc trưng để trồng tại công viên, đường phố; xây dựng mô hình quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2; nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo vào nuôi thương phẩm loài cá thát lát cườm; nghiên cứu xây dựng mô hình tái chế chất thải rắn xây dựng; điều tra nguồn lợi thủy sản trên sông...

Trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đã chế tạo robot tự hành diệt khuẩn bằng tia UV-C và được thử nghiệm khả năng diệt khuẩn trong phòng thí nghiệm; xây dựng được quy trình và mô hình bán công nghiệp để nuôi trồng vi tảo Haematococcus Pluvialis bằng dung dịch vi khoáng oxalate để thu sinh khối, tích lũy astaxanthin hiệu quả... Với đề tài “Nghiên cứu giải pháp quản lý và khai thác dữ liệu hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng trên nền tảng bản đồ số” đã xây dựng giải pháp toàn diện để quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng, giao thông sẽ giúp ích được cho cơ quan quản lý có thể dễ dàng giám sát công trình, hạ tầng liên quan đến giao thông. Trong tương lai những dữ liệu này có thể sẽ giúp ích cho những  lĩnh vực quan trọng hơn như điều hướng hệ thống xe bus, tìm kiếm đường đi, giảm ùn tắc giao thông trong đô thị...

Ứng dụng KH&CN trong y tế đã mang lại nhiều kết quả trong điều trị cho bệnh nhân, nổi bật như “Nghiên cứu hiệu quả áp dụng phương pháp tim phổi nhân tạo (ECMO) ở bệnh nhân sốc tim và sau ngừng tuần hoàn tại Bệnh viện Đà Nẵng” xây dựng được quy trình hỗ trợ các trung tâm y tế, bệnh viện ở các nơi khác trong công tác cấp cứu ban đầu những bệnh nhân suy tim phổi, với mong muốn mang lại sự điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Hoặc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, thành phố nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển, các giải pháp nhằm phát triển du lịch thành phố gắn với văn hóa Chăm…

Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, các nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố sau khi nghiệm thu đều được công bố thông qua các hội thảo, hội nghị khoa học hoặc đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Ngày càng có nhiều hơn các kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, tham gia dự thi đạt các giải thưởng trong nước như: giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam, hội thi Sáng tạo Kỹ thuật… và được cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích. Điều này thể hiện chất lượng nghiên cứu đang được nâng cao.

TRẦN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.