Đổi mới công nghệ là một trong những động lực để phát triển doanh nghiệp trong thời điểm công nghệ số hiện nay. Nếu không chú trọng và ưu tiên thúc đẩy vấn đề này thì bài toán về năng suất lao động và sức cạnh tranh trên thương trường rất khó giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (bên phải) trao kinh phí hỗ trợ cho Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: T.THẢO |
Chính sách được điều chỉnh sát thực tiễn doanh nghiệp
Trước bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm giá trị cao, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý hiện nay HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Theo đó, thành phố quy định nội dung hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ cụ thể như: mua thiết bị công nghệ có các mức hỗ trợ tối đa 15%, 30%, 50% và 70% chi phí mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ cao; công nghiên cứu: tối đa 70% chi phí công nghiên cứu để tạo các công nghệ mới, giải mã công nghệ..., không vượt quá 3 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm. Mỗi doanh nghiệp hỗ trợ tối đa 2 dự án.
Ngoài ra, hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để xây dựng/áp dụng hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các mức 30-35 triệu đồng/doanh nghiệp; đánh giá chứng nhận với 15 triệu đồng/sản phẩm, không quá 2 sản phẩm/năm/doanh nghiệp. Đây là chính sách mới quan trọng của thành phố tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Trước đó, kể từ ngày 1-1-2017, thành phố áp dụng Quyết định số 36/QĐ-UBND của UBND thành phố về quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và thương mại; các tổ chức, cá nhân có nghiên cứu, ứng dụng, triển khai cải tiến công nghệ, đổi mới công nghệ, giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ... đã được thụ hưởng nhiều quyền lợi từ chính sách này.
Hỗ trợ đắc lực cho đổi mới công nghệ
Từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 63 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chế tạo thiết bị công nghệ, đầu tư công nghệ tiên tiến, công nghệ cao và mua thiết bị máy móc hoặc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy... với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8,136 tỷ đồng. Những công nghệ được thành phố hỗ trợ là những sản phẩm, dự án tốt giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới và phát triển sản xuất, tăng doanh thu. Từ cuối năm 2023 đến nay, sở hỗ trợ 10 doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 1,23 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng với kinh phí 345 triệu đồng và 1 doanh nghiệp mua thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ với kinh phí 890 triệu đồng.
Dự án đổi mới công nghệ “Đầu tư máy phân cỡ tôm thông minh” của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tạo điều kiện bố trí lại số lao động phân cỡ tôm sang làm các công đoạn chế biến giá trị gia tăng khác. Việc đầu tư máy móc thiết bị, máy móc công cụ hiện đại, sử dụng công nghệ cao, nhất là có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ rất cần thiết cho việc cải thiện năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã thụ hưởng quyền lợi từ chính sách của thành phố như: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Đầu tư Quang Nguyễn, Công ty TNHH Medlatec Đà Nẵng, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty Cổ phần Gia Quảng Phát, Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung, Công ty TNHH MTV Thép VAS Việt Mỹ, Công ty TNHH MTV Diều Phong, Công ty TNHH Mỹ Phương Food, Công ty Cổ phần Secoin Đà Nẵng.
Thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp, việc nghiên cứu đổi mới công nghệ và đầu tư các thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp: nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và sức khỏe công nhân... góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp và trích nộp ngân sách. Đối với việc sử dụng kinh phí hỗ trợ, các doanh nghiệp đã thực hiện hạch toán nguồn kinh phí hỗ trợ vào tài sản cố định hoặc thu nhập khác của doanh nghiệp, chi trả cho việc đầu tư máy móc thiết bị hoặc đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu, mua sắm các công cụ thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới phục vụ cho các hoạt động sản xuất, đời sống khác.
Có thể nhận thấy, việc thực hiện hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp mang lại các lợi ích rất thiết thực. Doanh nghiệp sẽ chủ động nghiên cứu, chế tạo các thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất, thay thế hàng nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm; thuận tiện trong quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa máy móc, thiết bị; thực hiện áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp; thực hiện đánh giá chứng nhận sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm; thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
THANH THẢO