Công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực công nghệ mới thực sự cần thiết được khai thác, ứng dụng để giảm thiểu thiệt hại, tăng khả năng khắc phục thiệt hại về người và tài sản.
Tại thành phố, chủ động ứng phó với đợt áp thấp nhiệt đới và bão số 4 vừa qua, cả hệ thống chính trị, các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp và nhân dân đồng loạt vào cuộc. Chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai, lãnh đạo thành phố đề cập đến các phương án khai thác, ứng dụng công nghệ, công nghệ thông tin. Cụ thể, lãnh đạo thành phố giao UBND huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà tiến hành lặp đặt hệ thống camera quan sát các điểm có nguy cơ sạt lở cao như đèo La Ngà, bán đảo Sơn Trà…
Công nghệ đã được đưa vào ứng dụng khá rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, trong đó có nghiên cứu, dự báo, giải pháp phòng chống thiên tai. Trong đó, hệ thống thống giám sát thiên tai Việt Nam được số hóa hàng ngàn dữ liệu về địa lý, phân bố dân cư, chế độ thủy văn, chế độ xả lũ của các nhà máy thủy điện… được chuyển giao tài khoản số đăng nhập dữ liệu đến các bộ ngành, địa phương. Đặc biệt các địa phương nắm bắt kịp thời các thông tin theo dữ liệu thực để thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Ở thành phố những năm qua, công nghệ thông tin, truyền thông số (ứng dụng Danang Smart City, Tổng đài 1022, Zalo)… được trực quan hóa giúp các đơn vị chức năng, người dân có được thông tin thời tiết rõ ràng và dễ hiểu hơn. Các bản đồ tương tác, biểu đồ về lượng mưa, mức nước các hồ đập, mức ngập ở các phường, xã đã giúp việc truyền tải thông tin dự báo thời tiết đến tay người dùng nhanh chóng. Sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và khả năng của cơ quan khí tượng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực dự báo thời tiết giúp chúng ta chuẩn bị và ứng phó hiệu quả hơn với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt, hạn hán... ngày càng diễn biến khó lường và nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về con người lẫn kinh tế, xã hội cho đất nước, địa phương. Trong đó, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra cũng cần được tăng cường khai thác, ứng dụng công nghệ mới.
Đơn cử như việc khắc phục thiên tai sau bão số 3 ở các tỉnh miền Bắc, các thiết bị công nghệ như flycam, drone đã được đưa vào sử dụng để hỗ trợ người dân. Flycam được sử dụng bay quan sát tìm kiếm vị trí người bị mắc kẹt trong vùng ngập; chụp ảnh dò tìm đường đi, quan sát tình hình giao thông để đoàn xe vận tải có thể tiến vào các bản làng để làm công tác cứu trợ. Hay ở những khu vực ngập lụt, không thể tiếp cận bằng ghe, thuyền hay phương tiện giao thông khác, một số nhóm cứu trợ đã dùng thiết bị bay (drone) tải hàng chục kg hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu thả vào điểm cứu trợ. Có tổ chức, cá nhân ngoài tham gia cứu trợ tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) còn tự nguyện dùng drone bay xịt khuẩn, khử trùng trên diện rộng ở khu vực bị lũ quét.
Đà Nẵng là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được quan tâm; hoàn thiện nhiều phương án, giải pháp xử lý. Các phương án, giải pháp cũng cần thiết bổ sung để đạt hiệu quả cao nhất có thể, trong đó có việc tăng cường hơn nữa việc ứng dụng, bổ sung các thiết bị công nghệ mới như camera, flycam, drone để góp phần nâng cao hiệu quả khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
TRIỆU TÙNG