Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học

.

Lĩnh vực công nghệ sinh học trên địa bàn thành phố đã và đang được các ngành khoa học và công nghệ, các địa phương, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, sản  xuất và thương mại hóa; qua đó, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Công ty TNHH Hoàng Phong Dana (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm. Ảnh: VĂN HOÀNG
Công ty TNHH Hoàng Phong Dana (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nhận thấy tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm, những năm qua, Công ty TNHH Hoàng Phong Dana (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) không ngừng cải tiến, hợp tác để cho ra đời những sản phẩm dược liệu chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hoàng Phong Dana cho biết, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bà nhận thấy nhiều loại tinh dầu trên thế giới có nguồn gốc nhập từ nguồn dược liệu của Việt Nam nhưng giá bán rất cao.

Trong khi đó, Việt Nam có nguồn dược liệu đa dạng và phong phú. Riêng vùng Duyên hải Nam Trung bộ  được xác định là 1 trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam với chất lượng dược liệu bản địa hàng đầu. Với định hướng trở thành đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển tài nguyên bản địa và kế thừa, nâng cấp sản phẩm dược liệu truyền thống của người dân, công ty đã kết hợp với 15 hộ nông dân tại miền Trung, phủ xanh hơn 80ha diện tích trồng dược liệu đưa ra những sản phẩm dược liệu chất lượng. Đến nay, thương hiệu công ty đã và đang được định vị với hơn 4.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, hợp tác với các thương hiệu, hệ thống nhà thuốc uy tín như Long Châu, An Khang, Mạnh Tý… cùng các chuỗi cửa hàng dành cho mẹ và bé.

Bà Liên cũng cho rằng, việc phát triển của doanh nghiệp gặp không ít thách thức, trong đó có vấn đề quản lý cung ứng dược liệu số lượng lớn với chất lượng đồng đều; việc tổ chức R&D (nghiên cứu và phát triển) còn nhiều khó khăn; xu hướng tiêu dùng, tiêu chuẩn của từng thị trường; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh; phát triển thành doanh nghiệp tạo tác động xã hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Qua hợp tác với Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp phần nào được tháo gỡ như R&D bảo đảm; hoàn thiện quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng; hỗ trợ kết nối các chuyên gia, đối tác. Đây còn là bảo chứng cam kết về chất lượng của công ty với khách hàng”, bà Liên chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chương, Quản lý chương trình Swiss Entrepreneurship Program Vietnam (Thụy Sĩ) tại Đà Nẵng cho biết, các startup công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ sinh học Đà Nẵng. Chương trình đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trong việc nghiên cứu, thiết kế chương trình ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ sinh học với mục đích tạo ra các doanh nghiệp công nghệ sinh học mới thông qua việc ươm mầm các startup, nâng cao khả năng cạnh tranh; phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề về y tế - nông nghiệp - môi trường; đổi mới và phát triển công nghệ từ việc tạo ra môi trường sáng tạo, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, kết nối với các chuyên gia. Từ đó, nâng cao vị thế của Đà Nẵng trong việc xây dựng thương hiệu thành phố đổi mới sáng tạo. Song, để các startup công nghệ sinh học phát triển cần có chiến lược cụ thể, liên quan đến dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, mạng lưới đổi mới sáng tạo, liên kết quốc tế, tài nguyên sở hữu trí tuệ…

Theo TS. Phạm Châu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ sinh học tại Đà Nẵng và vùng Trung bộ - Tây Nguyên, cần tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh. Trong đó, Đà Nẵng cần đi đầu trong việc xây dựng mô hình phát triển các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ sinh học chuyên sâu, cung cấp hỗ trợ toàn diện cho nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp từ nghiên cứu đến sản xuất và thương mại hóa. Cần có chính sách ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác, tham vấn, học tập với đối tác quốc tế và liên vùng trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng để tận dụng thế mạnh của từng địa phương.

Ngoài ra, tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và sản xuất; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D, tạo điều kiện để các nhà khoa học tiếp cận thực tiễn sản xuất; hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm công nghệ sinh học; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút chuyên gia đầu ngành, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ sinh học tại các trường đại học trong khu vực…

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.