Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy nhiều địa phương được coi là “điểm nóng” du lịch lại đón lượng khách giảm chưa từng có trong kỳ nghỉ lễ 2-9.
Đông đảo du khách nước ngoài đã đến Hà Nội trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 năm nay. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN) |
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 5-9, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (từ ngày 1 đến 4-9), ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch. Nhiều địa phương được coi là “điểm nóng” du lịch lại đón lượng khách giảm chưa từng có trong mùa du lịch.
Tổng thu du lịch giảm
So với cùng kỳ năm 2022, lượng khách năm nay giảm khoảng 16,7%, công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 55% (giảm 5% so với kỳ nghỉ lễ năm 2022), riêng hai ngày 1 và 2-9-2023 công suất cũng chỉ tăng nhẹ với trên 60%.
Theo báo cáo nhanh này, chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố cơ bản tương đương so với cùng kỳ năm 2022, một số địa phương ghi nhận số lượng tăng khá vào ngày mùng 1 và mùng 2.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội dẫn đầu lượng khách trong 4 ngày nghỉ lễ. Thành phố Hồ Chí Minh ước tính đạt 960.000 lượt (công suất phòng trung bình khoảng 80%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.890 tỷ đồng); Hà Nội ước đón và phục vụ 640.000 lượt khách (tăng 51% so với cùng kỳ 2022; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, Khánh Hòa (ước tăng 141% so với năm ngoái), Bà Rịa-Vũng Tàu (ước tăng 36,5%), Quảng Ninh (ước tăng 150%), Thanh Hóa (ước tăng 26,6%)… là các địa phương có con số có lượng khách tăng cao.
Một số địa phương ghi nhận lượng khách giảm, như Kiên Giang giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái (được đánh giá do yếu tố thời tiết bất lợi), công suất cơ sở lưu trú chỉ đạt 27%, tổng thu từ khách trên 153 tỷ đồng.
Chỉ ra nguyên nhân của lượng khách giảm so với năm 2022, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay tổng thu du lịch giảm là do người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng (máy bay, tàu), trong khi giá dịch vụ vận chuyển tăng vào những ngày cao điểm.
Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của bão số 3 (Saola) được thông tin từ trước lễ tại khu vực miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến tàu tới các khu, điểm du lịch đảo phải ngưng hoạt động ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, khiến khách hủy tour, thay đổi lịch trình sang điểm đến khác.
Báo cáo của Cục Du lịch cũng cho biết hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành có sự chuẩn bị từ sớm, cùng chương trình kích cầu du lịch, siêu giảm giá... tập trung vào các sản phẩm du lịch đường thủy, mua sắm, lưu trú, thư giãn...
Các doanh nghiệp chuyển hướng sang bán “land tour” (du lịch trọn gói tại một địa điểm, không bao gồm chi phí đi lại hoặc khách sạn) đã bước đầu đón nhận phản hồi tích cực từ thị trường cả nước.
Điểm sáng du lịch trong kỳ nghỉ Quốc khánh
Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định một điểm sáng trong kỳ du lịch Quốc khánh năm nay là khách ở thị trường phía Nam bắt đầu chuyển hướng lựa chọn các sản phẩm tour ngắn ngày trải nghiệm mùa lúa chín và văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao khu vực Đông-Tây Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Mộc Châu…
Sản phẩm du lịch văn hóa tại cao nguyên (Măng Đen, Kon Tum), dọc di sản miền trung (Huế, Hội An) cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, hấp dẫn dòng du khách gia đình, nhóm nhỏ.
Kết quả này cho thấy hoạt động xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch liên vùng thời gian qua giữa các địa phương đã bước đầu có hiệu quả.
Nhóm khách lựa chọn loại hình du lịch “staycation” (du lịch ngay tại nơi sinh sống) hay “drivecation” (du lịch tự lái xe) ưa chuộng nhất tour di tích lịch sử. Nổi bật là chùm tour “Biệt động Sài Gòn-Thành ủy-Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,” tour “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long,” tour Đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour trải nghiệm các điểm du lịch ngoại thành (làng cổ Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm, phố đi bộ Sơn Tây...).
Một số địa phương có lễ hội, sự kiện nghệ thuật hưởng ứng kỳ nghỉ lễ và thu hút lượng lớn du khách đổ về, tiêu biểu như: Chương trình diễu hành “Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội lần thứ nhất năm 2023” tại các tuyến phố cổ; chùm Chương trình nghệ thuật chào mừng 78 năm Quốc khánh tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các vùng phụ cận…
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy trên cả nước không ghi nhận sự cố hay vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, như hiện tượng tăng giá, ép giá hay "chặt chém", lừa đảo du khách những ngày nghỉ lễ Quốc Khánh.
Theo Vietnam+