Kỷ niệm 16 năm Ngày thành lập Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (9-10-2007 - 9-10-2023)

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro cho vay tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng

.

Với phương châm “Hợp tác đầu tư, đồng hành phát triển“, Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng đến nay thực hiện cho vay 189 dự án với tổng vốn ký kết hợp đồng tín dụng là 3.104 tỷ đồng, tổng số vốn đã giải ngân là 2.710 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay bình quân hằng năm chiếm gần 70% tổng nguồn vốn hoạt động của đơn vị, nợ xấu luôn được kiểm soát trong tỷ lệ cho phép, bình quân dưới 3%/năm. Hoạt động cho vay tại Quỹ Đầu tư phát triển sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng khách hàng và quy mô khoản vay. Điều này cũng sẽ phát sinh nhiều rủi ro và tăng nợ xấu, do đó cần các biện pháp để quản trị tốt rủi ro, kịp thời xử lý các khoản nợ có khả năng mất vốn để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng
Ông Võ Minh, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng

Thực trạng về công tác quản trị rủi ro cho vay hiện nay

Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (Quỹ) thành lập ngày 9-10-2007 theo Quyết định số 7977/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng, hoạt động theo Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Chức năng hoạt động của Quỹ gồm huy động vốn trung và dài hạn, cho vay, đầu tư các dự án, góp vốn thành lập doanh nghiệp, ủy thác cho vay đầu tư, nhận ủy thác quản lý các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương...

Với tổng vốn hoạt động ban đầu được cấp là 200 tỷ đồng, sau hơn 16 năm hình thành và phát triển, đến nay quy mô nguồn vốn hoạt động của Quỹ tăng đáng kể hơn 1.650 tỷ đồng, về cơ bản Quỹ đã thực hiện hầu hết các hoạt động theo chức năng, trong đó hoạt động cho vay vẫn là hoạt động chính và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu vốn đầu tư tại Quỹ. Quỹ phát huy được vai trò là vốn mồi thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Hoạt động quản trị rủi ro cho vay tại Quỹ trong thời gian qua đã được chú trọng và triển khai đồng bộ mang lại những kết quả rõ rệt; chất lượng các khoản cho vay dần được nâng lên, tỷ lệ nợ xấu hằng năm đều bảo đảm trong giới hạn và có thể kiểm soát được. Về chính sách quản trị rủi ro trong hoạt động cho vay tại Quỹ, Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 20-12-2020 quy định công tác xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay của Quỹ thực hiện theo quy định như với các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, nghị định cũng quy định cụ thể về giới hạn cho vay, ban hành các quy định chính sách cho vay, quy chế thẩm định, phê duyệt cho vay, chính sách thu hồi nợ và báo cáo rủi ro … Về cơ cấu tổ chức, hoạt động quản lý rủi ro cho vay tại Quỹ được phân công thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ và được quản lý ngay từ giai đoạn xúc tiến, sàng lọc đối tượng cho vay ban đầu đến công tác thẩm định và giải ngân, quản lý khoản vay, trong đó bộ phận tín dụng thực hiện vai trò thường trực công tác quản trị rủi ro và kịp thời báo cáo biện pháp xử lý rủi ro theo quy định. Ban kiểm soát thực hiện chức năng kiểm soát rủi ro độc lập ở tất cả các khâu trong quá trình ra quyết định cho vay của Quỹ.

Công tác quản trị rủi ro cho vay bảo đảm các quy định hiện hành về báo cáo phân loại các khoản nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho vay. Các quy chế, quy trình nghiệp vụ cho vay, kiểm soát và xử lý rủi ro, trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận nếu phát sinh rủi ro trong quá trình cho vay…tại Quỹ được ban hành kịp thời và chặt chẽ giúp cho cán bộ nhận diện và đánh giá lựa chọn khách hàng khá chính xác và hiệu quả, các khoản cho vay đều được áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định.

Tỷ lệ nợ xấu hằng năm tại Quỹ đều dưới 3% trên tổng dư nợ nhờ công tác thu hồi nợ và xử lý nợ thực hiện tốt. Bên cạnh đó, hoạt động quản trị rủi ro cho vay tại quỹ vẫn còn hạn chế nhất định như chưa hình thành bộ phận quản lý rủi ro độc lập, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ do chưa phát sinh, chưa có hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng để hỗ trợ cho công tác quản trị rủi ro, năng lực của cán bộ thực hiện công tác thẩm định, quản lý tín dụng chưa đồng đều, ảnh hưởng đến nhận diện và xử lý rủi ro phát sinh…

Dự án đầu tư 4 cẩu ERTG tại Cảng Tiên Sa của Công ty CP Cảng Đà Nẵng vay vốn 85 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ
Dự án đầu tư 4 cẩu ERTG tại Cảng Tiên Sa của Công ty CP Cảng Đà Nẵng vay vốn 85 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro cho vay tại Quỹ

Để bảo đảm an toàn và giảm thiểu rủi ro cho vay trong thời gian đến, Quỹ cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro như sau: Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng bộ công cụ xếp hạng tín dụng phù hợp với đối tượng khách hàng vay vốn thực tế hiện nay tại Quỹ và sớm ban hành đưa vào sử dụng để hỗ trợ quá trình đánh giá rủi ro trong hoạt động cho vay như các tổ chức tín dụng.

Việc áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh tình trạng không thống nhất trong đánh giá khách hàng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro cho vay. Thứ hai, tiếp tục đa dạng hóa danh mục dự án cho vay, danh mục khách hàng vay vốn để hạn chế tập trung vốn vay vào một số đối tượng khách hàng nhằm phân tán rủi ro hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động cho vay của Quỹ nói riêng. Tăng cường hợp tác với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để cùng xem xét, thẩm định để tài trợ vốn cho các dự án có quy mô lớn, các dự án có tính chất phức tạp.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong hoạt động cho vay tại Quỹ, trong đó cụ thể hóa trong từng hoạt động cụ thể như hệ thống tin nhắn báo số dư, nhắc lịch trả nợ, quản lý thu nợ cho cán bộ tín dụng, quản lý tài sản thế chấp… Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện quy trình thẩm định cho vay và quản lý tín dụng theo hướng tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm quá trình cho vay được thống nhất, góp phần phòng ngừa rủi ro và nâng cao chất lượng công tác cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Quy trình cho vay và quản lý tín dụng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các bộ phận và cá nhân liên quan đến tất cả các giai đoạn, các khâu trong quá trình cho vay để từ đó tăng cường trách nhiệm trong công tác quản trị rủi ro cho vay. Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khoản vay, tiếp tục hoàn thiện các văn bản, quy trình, quy định hướng dẫn công tác kiểm soát và quản lý khoản vay để giúp cho cán bộ tín dụng theo dõi, phân tích các thông tin có liên quan đến tình hình sử dụng tiền vay, tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh, khả năng trả nợ và mức trả nợ của khách hàng vay vốn.

Thứ sáu, xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực giỏi chuyên môn, công nghệ và các kỹ năng mềm. Việc tuyển dụng, bố trí lao động vào các vị trí thực hiện nhiệm vụ cho vay phải phù hợp với năng lực, nghiệp vụ, sở trường từng cá nhân; thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhân viên chất lượng cao. Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng chế độ lương, thưởng, đãi ngộ đối với người lao động gắn với trách nhiệm, mức độ phức tạp của từng người, hệ thống kỷ luật lao động tốt góp phần nâng cao hiệu quả làm việc, hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay.

Về cơ cấu tổ chức, từng bước thiết lập bộ phận quản lý rủi ro độc lập tại thời điểm phù hợp với quy mô phát triển để thực hiện nhiệm vụ quản lý rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng. Thứ bảy, thường xuyên tuân thủ quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động Quỹ, từng bước đưa tiêu chuẩn trong hoạt động cho vay của Quỹ xích gần tới các thông lệ và tiêu chuẩn của thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ nói chung và giảm thấp rủi ro tín dụng nói riêng.

VÕ MINH
Thành viên Hội đồng quản lý Quỹ,
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.