Thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các đơn vị, địa phương triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm nông nghiệp; qua đó, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu từ thị trường tiêu thụ, bảo tồn, phát triển sản xuất, nâng tầm giá trị và định vị thương hiệu.
Các nhãn hiệu tập thể góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm. TRONG ẢNH: Người dân, du khách chọn mua sản phẩm nước mắm Nam Ô tại Hội chợ EWEC - Đà Nẵng 2023. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Chả cá Thanh Khê là một trong những sản phẩm thương mại đặc trưng, hấp dẫn và được ưa chuộng bởi nhiều người dân và du khách. Tuy vậy, trong nhiều năm qua, sản phẩm vẫn chưa được xác định thương hiệu trên thị trường khiến cho việc tiếp cận của người tiêu dùng và phát triển của các hộ sản xuất, kinh doanh bị hạn chế. Năm 2023, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố, Sở KH&CN hỗ trợ triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” cho sản phẩm chả cá của quận Thanh Khê. Đến giữa tháng 8-2023, UBND thành phố ban hành quyết định cho phép UBND quận Thanh Khê sử dụng địa danh “Thanh Khê” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” cho sản phẩm chả cá, dịch vụ buôn bán chả cá của quận Thanh Khê và thống nhất xác nhận 5 bản đồ khu vực địa lý đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.
Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, toàn quận có khoảng 50 hộ sản xuất, kinh doanh chả cá. Việc xác lập nhãn hiệu tập thể là điều kiện để phát huy được vị thế, uy tín của sản phẩm và thương hiệu bởi sản phẩm được bảo hộ, đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc. Từ đó, chống lại việc kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, góp phần ổn định thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, khi thương hiệu được bảo hộ, việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của các thành viên sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, an sinh xã hội. Địa phương sẽ phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của nhãn hiệu tập thể; giám sát, kiểm tra về việc tuân thủ, chấp hành của các hộ đăng ký sử dụng thương hiệu. Trường hợp các hộ sản xuất, kinh doanh không tuân thủ các quy định, địa phương sẽ thu hồi nhãn hiệu.
Cũng trong năm 2023, Sở KH&CN hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia về đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô. Đây là sản phẩm truyền thống, đặc trưng của quận Liên Chiểu được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào tháng 12-2009 và gia hạn lần 2 vào 2018. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô cho biết, các hộ trong làng nghề được các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ, “chăm chút” cho việc xây dựng thương hiệu, nhờ vậy, sản phẩm ngày càng hiện đại, bao bì, mẫu mã được thay đổi đa dạng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Trong chương trình “Quảng bá sản phẩm nước mắm Nam Ô, sản phẩm OCOP, đặc trưng - Liên Chiểu 2023”, UBND quận Liên Chiểu đã hỗ trợ 6.400 chai thủy tinh cho các hộ để thay đổi mẫu mã, bảo quản sản phẩm. “Các hộ trong làng nghề cần ý thức được vấn đề bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, tăng sức cạnh tranh để mang đến hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững”, ông Vinh nhấn mạnh.
Toàn thành phố có 28 nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. TRONG ẢNH: Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Hòa Bắc” vào tháng 6-2023. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 25 sản phẩm nông nghiệp được Sở KH&CN thành phố đã hỗ trợ xác lập đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, gồm: nấm Nhơn Phước, trứng cút Hòa Phước, gạo hữu cơ Hòa Tiến, bưởi Hòa Ninh, chè dây Hòa Bắc, bánh khô mè Quang Châu, bánh tráng Túy Loan, kiệu hương Hòa Nhơn, cá nước ngọt Hòa Khương, chuối thanh tiêu Hòa Phú... Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn là yếu tố quan trọng, tiền đề để địa phương xây dựng, khẳng định chất lượng hàng hóa nông sản; nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, năng lực cạnh tranh; đồng thời, tạo việc làm cho người lao động giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa làng nghề của các địa phương trên địa bàn huyện.
Mặc dù có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương, nhưng một số nhãn hiệu vẫn chưa phát triển mạnh và định vị thương hiệu trên thị trường. Để bảo vệ, phát triển bền vững các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tranh thủ các nguồn lực, hướng dẫn các thủ tục đưa sản phẩm lưu thông thị trường; giới thiệu và trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu, hỗ trợ đăng tải sản phẩm trên các website UBND huyện; kết hợp với các tiểu thương, điểm du lịch quảng bá sản phẩm đến du khách. Các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý hội viên, chất lượng sản phẩm đã được đăng ký; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, chủ động trong kinh doanh và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Sở KH&CN, các sản phẩm được lựa chọn đăng ký bảo hộ phải là sản phẩm đặc trưng của vùng, mang tính văn hóa, truyền thống, có quy mô sản xuất, bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Qua rà soát, có 9 nhãn hiệu chứng nhận, 28 nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Thành phố cần tiếp tục triển khai các chính sách, rà soát, đề xuất và ban hành hoàn thiện hệ thống các chính sách khác trong việc xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Lê Thị Thục cho rằng, các chủ đơn, chủ sở hữu nhãn hiệu sau khi được hỗ trợ cấp văn bằng bảo hộ cần xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển. Trong đó, tập trung đào tạo, tập huấn về quản trị và phát triển thương hiệu nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, đặc biệt là năng lực thương mại sản phẩm; tuyên truyền, giới thiệu và trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Mặt khác, các đơn vị cần tổ chức các hoạt động giới thiệu, tham quan làng nghề truyền thống phục vụ khách tham quan du lịch để quảng bá; tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
VĂN HOÀNG