Tần suất các đơn vị, doanh nghiệp bị tấn công mạng nhằm đánh cắp thông tin, dữ liệu đang có chiều hướng tăng mạnh, gây nên mối đe dọa về an toàn thông tin, dữ liệu trong giai đoạn chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp.
Trước tốc độ phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin (CNTT), yêu cầu về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng được các doanh nghiệp đặt ra, bởi chỉ cần một sự cố an ninh thông tin cũng có thể đặt ra thách thức cho quá trình chuyển đổi số. Bà Võ Thị Trí, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp năng lượng MPH (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), cho biết doanh nghiệp bà gặp các vấn đề về bảo mật, tin tặc tấn công trong 1 tháng với tần suất trung bình từ 2-3 lần, trong đó khoảng 70% có thể xử lý bằng tường lửa từ các phần mềm, ứng dụng diệt virus, số còn lại phải tự thuê nhân lực bên ngoài xử lý.
Ông Lê Tín Huy, Giám đốc Công ty TNHH Tín Huy (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), cho hay sau khi doanh nghiệp của ông triển khai đưa các nội dung lên nền tảng số đã bị tấn công Ransomware (dạng phần mềm độc hại ngăn chặn người dùng truy cập, sử dụng máy tính cá nhân) vào máy chủ, gây rò rỉ hệ thống thông tin, các quyền truy cập dữ liệu bị chặn trong nhiều tuần liền. Ngay sau đó đã thấy thông tin cá nhân người dùng, dữ liệu doanh nghiệp bị rao bán tại một trang chủ nước ngoài. Ước tính tổn thất về mặt tài chính, thương hiệu từ việc mất dữ liệu lên đến hàng tỷ đồng.
Theo các chuyên gia công nghệ, vấn đề an toàn thông tin trên không gian mạng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong thời gian tới. Theo TS. Võ Nhân Văn, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Duy Tân), sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực bảo mật CNTT và đào tạo nhận thức bảo mật cho đội ngũ nhân viên tại các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức chưa phát huy tính hiệu quả khiến những chiến lược về phục hồi mạng khi gặp sự cố trở nên khó khăn.
Sự gia tăng và nguy hiểm của các phần mềm độc hại chính là rào cản cho việc phát triển, bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu khi thực hiện chuyển đổi số. Giải pháp để ứng phó các mối đe dọa về an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu là tìm kiếm nhà cung cấp an ninh mạng đáng tin cậy, đặc biệt là những nhà cung cấp có chuyên môn về công nghệ, tổ chức và nhân sự để bảo đảm duy trì hoạt động của các sáng kiến phục hồi không gian mạng. Việc triển khai XDR (phương thức phát hiện và giảm thiểu các mối đe dọa an ninh mạng) giúp hợp nhất dữ liệu từ nhiều điểm khác nhau, phân tích nâng cao và tự động hóa để chủ động phát hiện và phản hồi tấn công mạng nhanh hơn.
Ứng phó về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho hay, những năm qua, sở đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lĩnh vực CNTT tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên sâu về an toàn thông tin cho cán bộ, người lao động của các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp với số lượng lên đến hàng nghìn lượt đào tạo.
Đồng thời, sở thực hiện diễn tập ứng cứu sự cố CNTT và an toàn thông tin hằng năm nhằm sẵn sàng cho hoạt động bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong giai đoạn chính quyền, doanh nghiệp, người dân đang tham gia chuyển đổi số. Việc nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng nếu không xây dựng các kịch bản, kế hoạch từ sớm sẽ gây ra nhiều hiểm họa tới sự phát triển kinh tế tổng hợp.
Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực chất lượng cao thì việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức tự bảo vệ thông tin, dữ liệu trên môi trường số, tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thông tin là một giải pháp hữu hiệu.
CHIẾN THẮNG