Đà Nẵng gia nhập "đường đua" công nghiệp bán dẫn

.

Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước, trong đó có công nghệ vi điện tử, công nghệ chip bán dẫn và vi mạch bán dẫn. Đà Nẵng cần làm gì để tận dụng cơ hội vàng từ ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo sẽ là ngành kinh tế hàng ngàn tỷ đô này?

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) được doanh nghiệp hỗ trợ thiết bị điện tử cho phòng thí nghiệm phục vụ các ngành học liên quan đến vi mạch vào đầu tháng 11-2023. Ảnh: M.Q
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) được doanh nghiệp hỗ trợ thiết bị điện tử cho phòng thí nghiệm phục vụ các ngành học liên quan đến vi mạch vào đầu tháng 11-2023. Ảnh: M.Q

Bài 1: Đà Nẵng có nhiều lợi thế về công nghiệp vi mạch

Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”, thành phố xác định ưu tiên xây dựng các chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế và hỗ trợ ban đầu để thu hút phát triển, lan tỏa việc nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.

Nhiều lợi thế của địa phương

Đà Nẵng đang chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố; đồng thời triển khai nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực này. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành điểm đến về thiết kế vi mạch bán dẫn. Trước đó, từ những năm 2000, thành phố đã ban hành những chủ trương, chính sách làm nền tảng để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), đơn cử như Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-10-2000 của Thành ủy về một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12-3-2003 của Thành ủy về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”. Cùng với đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 16-8-2023 về phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố đến năm 2030, trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch.

Mới đây, từ ngày 14 đến 17-11, trong chuyến công tác đến thăm Hoa Kỳ, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, thành phố Đà Nẵng đã ký ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Cụ thể, tại San Francisco, UBND thành phố và Công ty Synopsys đã ký bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới...

Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á, khi nghiên cứu về chiến lược phát triển của Đà Nẵng, ông nhận thấy nếu lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ thông thường thì thành phố không còn quỹ đất; muốn phát triển thì bắt buộc phải chọn công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Lãnh đạo Synopsys cũng cho biết, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương của công ty. Trong giai đoạn 2020 - 2022, Synopsys Việt Nam đã mở rộng đến 4 văn phòng tại 2 thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư làm việc.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ lần này, tại hội thảo xúc tiến đầu tư “Đà Nẵng - Điểm đến đầu tư lĩnh vực bán dẫn” tại San Jose (California, Hoa Kỳ), Đà Nẵng và Công ty ITSJ-G đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất các linh kiện điện, điện tử. Công ty Qorvo tại Hoa Kỳ đã đề xuất Đà Nẵng xem xét hỗ trợ các chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, điện - điện tử và đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố, cũng như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực chip, bán dẫn. Riêng Công ty Marvell (Hoa Kỳ) rất quan tâm đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng nói riêng.

Đại diện công ty thông tin, vào tháng 1-2024, công ty sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng để khảo sát mở văn phòng tại đây. Đáng chú ý, tại buổi làm việc với đoàn công tác Đà Nẵng, Tập đoàn Intel đã thống nhất cao đề nghị của thành phố và sớm triển khai hợp tác giữa hai bên về đào tạo nguồn nhân lực tại Đà Nẵng; kết hợp với chương trình Trí tuệ nhân tạo cho tương lai (“AI for Future”) của tập đoàn; hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng Trung tâm tính toán hiệu năng cao (“The high performance computer center”) và triển khai phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động lắp ráp và kiểm thử vi mạch, bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng...

Nhân viên tại Chi nhánh Công ty TNHH Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng (quận Hải Châu) đang làm việc. Ảnh: M.Q
Nhân viên tại Chi nhánh Công ty TNHH Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng (quận Hải Châu) đang làm việc. Ảnh: M.Q

Những khó khăn cần tháo gỡ

Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng rất lớn với nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn quốc tế của Hoa Kỳ và các đối tác khác, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị - Kinh doanh, Công ty CP Long Hậu cho biết, hiện tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố tương đối cao. Các ngành nghề đã thu hút vào các công nghiệp phân tán ở nhiều lĩnh vực và số lượng chưa nhiều. Do vậy, chưa tạo được cộng đồng doanh nghiệp sản xuất có tính chất bổ trợ lẫn nhau và hạn chế khả năng cung ứng cho các doanh nghiệp mới đến Đà Nẵng nghiên cứu đầu tư. Ngoài ra, quỹ đất khu công nghiệp còn lại không nhiều cũng hạn chế khả năng thu hút dự án mới. Về hạ tầng đường bộ, đường hàng không tương đối phát triển tạo thuận lợi cho lưu thông liên vùng. Hạ tầng cảng biển vẫn còn là hạn chế vì lưu lượng lưu thông hàng hóa và số chuyến qua cảng Tiên Sa chưa cao. Về nguồn lao động, Đà Nẵng có nhiều ưu điểm về nguồn lao động trong lĩnh vực dịch vụ và CNTT... Theo ông Hiếu, để phát triển sản xuất công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ thì cần thêm giải pháp để có nguồn cung ứng tốt hơn cho doanh nghiệp, bên cạnh đó, cần tiếp tục tạo thêm quỹ đất công nghiệp và dịch vụ phụ trợ cho sản xuất để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Bên cạnh những khó khăn về hạ tầng, đất đai, Đà Nẵng cần làm tốt về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Riêng nhân lực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, và Đà Nẵng chỉ chiếm 7%. PGS.TS Hà Đắc Bình, Hiệu trưởng Trường Công nghệ (Đại học Duy Tân) cho rằng, vi mạch bán dẫn là ngành học khá “kén” sinh viên bởi đòi hỏi người học phải có nền tảng về STEM (kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) cũng như trình độ ngoại ngữ vì phần lớn làm việc với các dự án nước ngoài.

Còn PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) đánh giá hầu hết các cơ sở đào tạo gặp khó về đội ngũ giảng viên kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư và việc vận hành một hệ thống thực hành - thí nghiệm cho lĩnh vực này rất lớn. Tương tự, Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, so với tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm (ở các ngành liên quan), số lượng sinh viên làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn khá khiêm tốn, mới chiếm khoảng 10%. Đây là những vấn đề mà thành phố quan tâm và cần có giải pháp trong thời gian tới.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.