Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ nguồn hàng trị giá khoảng 2.580 tỷ đồng thực hiện bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2024.
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng (quận Thanh Khê). Ảnh: THU DUYÊN |
Một số sản phẩm tăng giá
Khảo sát giá cả tại nhiều điểm bán hàng, giá thịt heo hơi tăng từ 45.000 đồng/ kg lên 50.000 đồng/kg; giá thịt gà sống nguyên con tăng từ 37.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; giá trứng gà tăng từ 2.200 đồng/chục lên 2.400 đồng/chục; giá rau, củ, quả tăng từ 10-20%. Với các mặt hàng khác như đồ uống tăng từ 15-30%; giá bánh kẹo truyền thống tăng từ 10-15%, giá bánh kẹo nhập khẩu tăng từ 15-20%. Một số sản phẩm hàng hóa tiêu dùng như: dầu ăn, đường, sữa tăng từ 5-15% so với tháng trước. Qua ghi nhận thực tế, giá một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng trong đầu tháng 1-2024 dẫn đến giá bán lẻ hàng thiết yếu tiêu dùng tăng và dự báo còn tăng trong những ngày tới, do giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang tiếp tục tăng cao.
Bên cạnh đó, những đơn vị kinh doanh, bán lẻ đang tăng cường công tác truyền thông để tuyên truyền về các chương trình khuyến mãi, giảm giá của mình qua các nền tảng nhằm giúp người tiêu dùng biết đến và hưởng lợi từ các chương trình này.
Chị Nguyễn Thị Xuân, chủ tạp hóa Toàn Xuân (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ, so với ngày thường, những sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán thường có giá cao hơn 5-10% do có những ưu đãi như giải thưởng, bao bì cũng bắt mắt để khách hàng có thể làm quà tặng. Để giúp khách hàng mua được sản phẩm tốt, chị đã phải nhập lượng hàng khá nhiều, đồng thời giảm lợi nhuận để giữ giá ổn định.
Chị Nguyễn Thị Mẫn (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho hay, thời điểm này khi đi chợ hay mua sắm thấy nhiều mặt hàng “rục rịch” tăng giá. Việc các sản phẩm tăng đều từ 5-30% trong thời điểm này khiến chị phải cân nhắc khi mua hàng hơn so với trước. Chị đang trông chờ vào những cửa hàng bình ổn giá để mua sắm được những sản phẩm chất lượng với mức giá tốt.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, dự báo tiêu dùng trong giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 10% so với bình thường, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, giỏ quà Tết... vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài phương thức mua hàng truyền thống thì hình thức mua hàng trực tuyến sẽ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Sẵn sàng nguồn hàng phục vụ Tết
Theo ghi nhận tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, những mặt hàng như: gạo tẻ, gạo nếp, bánh, kẹo, mứt, trái cây sấy, khô gà, khô bò và các loại thực phẩm thịt như bò, heo, gà… phục vụ cho dịp Tết đã được các tiểu thương đặt hàng, tích trữ luân phiên sẵn để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.
Chị Trương Thị Thúy Vy, tiểu thương tại chợ Cồn cho biết, cửa hàng chị đã đã phối hợp với các nhà phân phối, bán lẻ để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Các sản phẩm được nhập nhiều đều có bao bì, nhãn mác mang đậm không khí của Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và có quà tặng, phần thưởng để thu hút khách hàng.
Các mặt hàng phục vụ mùa lễ, Tết đã được các tiểu thương chuẩn bị trước một tháng. Ảnh: THANH NHÀN |
Về phía các sở, ban, ngành, doanh nghiệp đã tổ chức trao đổi phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng với UBND các quận, huyện triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường Tết theo chỉ đạo của UBND thành phố. Cụ thể, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi... tăng cường nhập hàng, tăng cường dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm người dân được tiếp cận thực phẩm sạch, an toàn, Sở Công Thương đã lên phương án phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức 19 điểm bán thịt heo, thịt bò, trứng gà bình ổn giá trong dịp Tết. Các điểm bán hàng trải đều ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố và sẽ bán thấp hơn giá thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg và giữ mức giá ổn định. Các mặt hàng được lựa chọn để tham gia chương trình bình ổn gồm: thịt heo các loại, thịt bò và trứng gà. Chương trình diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 6 đến 8-2-2024).
Sở Công Thương còn tổ chức 3 đợt đưa hàng hóa bình ổn giá về phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn các xã miền núi huyện Hòa Vang (xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú). Năm nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhưng không tăng nhiều so với năm ngoái và đưa ra một số chương trình khuyến mại, giảm giá; tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 2.580 tỷ đồng.
Hiện nay, Công ty TNHH Đắc Vinh đã lên phương án triển khai nhiều điểm bán thịt heo bình ổn trên địa bàn thành phố để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán với mức giá bảo đảm thấp hơn so với giá thị trường từ 10- 20%. Ngoài các mặt hàng như thịt mông, thịt vai, ba chỉ, sườn non, xương nạc…, công ty đã bổ sung thêm một số sản phẩm khác như thịt bò, trứng để khách hàng có thêm sự lựa chọn. Doanh nghiệp cũng cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa, giá bán thấp hơn thị trường và sẽ giữ ở mức ổn định. Giá bán sẽ được niêm yết hằng ngày và công khai rộng rãi cho người dân.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục QLTT thành phố thông tin, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra thị trường dịp trước, trong và sau Tết. Bằng việc đẩy mạnh thực hiện công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố, Cục QLTT sẽ ngăn chặn, phòng ngừa và bảo đảm môi trường mua sắm an toàn, lành mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
CHIẾN THẮNG - THANH NHÀN