Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lò mổ động vật

.

Dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu sử dụng thịt và các sản phẩm từ động vật của người dân tăng cao. Ngành nông nghiệp cùng các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm soát tại lò mổ, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Wincom Đà Nẵng. Ảnh:  THIÊN NGUYỆN
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Wincom Đà Nẵng. Ảnh: THIÊN NGUYỆN

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Vừa qua, tại một cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật ở thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã và Công an xã Hòa Phước kiểm tra đột xuất và phát hiện gần 4 tấn da bò đang sơ chế tại cơ sở này có hiện tượng bốc mùi hôi.

Theo đó, chủ cơ sở là ông N.L (trú tại địa phương) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; giấy chứng nhận kiểm dịch và các hồ sơ thủ tục liên quan đến điều kiện vệ sinh thú y đối với số sản phẩm trên. Ngay sau khi bị phát hiện và lập biên bản xử lý, chủ cơ sở đã tự nguyện cam kết tự tiêu hủy số sản phẩm động vật trên.

Trước đó, vào cuối tháng 9-2023, tại xã Hòa Liên, hộ bà B.T.T cũng bị địa phương xử phạt hành chính và yêu cầu chấm dứt hoạt động mổ heo trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, dưới sàn nhà có khoảng 70kg thịt heo để vung vãi, không bảo đảm vệ sinh và không có dấu hiệu kiểm soát giết mổ.

Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng (thuộc Chi cục Nông nghiệp), hiện nay, toàn thành phố có 8 cơ sở mổ gia súc, gia cầm được phép hoạt động, trong đó, tại quận Liên Chiểu có 2 cơ sở; quận Cẩm Lệ có 3 cơ sở; huyện Hòa Vang có 3 cơ sở.

Cụ thể gồm: Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Đà Nẵng; Công ty TNHH MTV Hà Sính Kim Anh; Công ty TNHH Quyền Chanh; Cơ sở Lâm Thị Lệ Thu; HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 2; HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 2; HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Phước; HTX Dịch vụ Hòa Thọ Tây. Trung bình mỗi ngày, 8 cơ sở mổ  hơn 50 con trâu bò, 1.369 con heo, 4.230 con gà và 1.700 con vịt.

Bà Lê Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng cho biết, trung tâm luôn yêu cầu cán bộ thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát lò mổ bảo đảm đúng quy trình, quy định. Định kỳ hằng tháng, trung tâm xây dựng và triển khai kiểm tra việc chấp hành yêu cầu vệ sinh thú y của các cơ sở được phép hoạt động; từ đó, hướng dẫn khắc phục các tồn tại và vấn đề vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ việc nhập động vật vào thành phố...Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu Chi cục Nông nghiệp thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giết mổ, qua đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho hay, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, ban quản lý đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ ngày 25-12-2023 đến hết 22-2-2024. Qua đó, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; nâng cao trách nhiệm quản lý; tuyên truyền, vận động và phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Đối với công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố sẽ thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra 215 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung các mặt hàng phục vụ lễ, Tết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ các tiệc chiêu đãi cuối năm.

Ông Phan Mạnh Hân, Phó Trưởng ban quản lý chợ quận Sơn Trà cho biết, các tiểu thương kinh doanh sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm được cập nhật thường xuyên về số lượng thực tế kinh doanh để hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi đối với từng tiểu thương. Các mặt hàng tươi sống phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, hàng phải có tem, dấu kiểm soát thú y; mặt hàng đông lạnh phải có bao bì, nhãn hiệu của người sản xuất hoặc người chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.

Ban quản lý cũng yêu cầu các tiểu thương tuyệt đối không để thực phẩm trực tiếp xuống nền chợ; giữ vệ sinh trong giờ họp chợ và tổng vệ sinh khi hết buổi chợ. Các tổ quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ phối hợp lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm và xử lý, báo cáo kết quả kịp thời, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Lê Thị Kim Loan cũng nhận định, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các sản phẩm động vật tăng cao dẫn đến việc giết mổ động vật có biến động lớn như lượng gia súc, gà tăng 1,3-1,4 lần so với ngày thường, cụ thể: số bò tăng 14-15 con/đêm, heo tăng từ 300-500 con/đêm, gà tăng từ 1.500-2.000 con/đêm. Đặc biệt, từ ngày 15 đến 28 tháng Chạp, số lượng heo đưa vào lò mổ tăng từ 1.000-1.300 con/đêm.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ nhân dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trung tâm cũng quán triệt, yêu cầu cán bộ, nhân viên giám sát chặt chẽ việc nhập động vật vào lò mổ, sản phẩm động vật vào tiêu thụ trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch, tập trung toàn bộ nhân lực, tăng cường cán bộ chuyên môn phục vụ kiểm dịch, kiểm soát khâu mổ…

Hiện Chi cục Nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ban hành văn bản yêu cầu cơ sở tuân thủ nghiêm túc quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; chấp hành yêu cầu vệ sinh thú y của cán bộ làm kiểm soát tại lò mổ. Các cơ sở cần thường xuyên tổng dọn vệ sinh nhà xưởng và xung quanh, bể chứa nước, tổ chức diệt côn trùng, chuột, không để động vật vào khu vực lò mổ; tăng cường vệ sinh tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn...

THIÊN NGUYỆN

;
;
.
.
.
.
.
Thức ăn ướt Pate mèo Nekko 70g