Thời điểm này, mặt bằng cho thuê ở Đà Nẵng gần như cung vượt cầu bởi tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mất đi lượng lớn khách hàng và doanh thu sụt giảm đáng kể so với trước đây.
Ghi nhận tại nhiều tuyến phố kinh doanh trên địa bàn thành phố, các mặt bằng được treo biển “cho thuê” xuất hiện ngày một nhiều. Chị Lê Thị Hạnh, chủ một cửa hàng trên đường Hải Phòng (phường Tân Chính, quận Thanh Khê), cho biết mỗi tháng chị phải trả hơn 10 triệu đồng để thuê mặt bằng gần 200m2, chiếm gần 30% doanh thu cửa hàng; trong khi đó, doanh thu chính của cửa hàng tới từ kinh doanh trên các kênh, nền tảng trực tuyến. Chị đang tính phương án trả lại mặt bằng vào cuối năm để tìm phương án khác thay vì gồng gánh để trả tiền thuê vị trí kinh doanh.
Sở hữu mặt bằng rộng gần 500m2 trên đường Đỗ Bá (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), ông Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ, trước đây, ông có thể kiếm được 700 triệu đồng/năm nhưng khoảng thời gian gần đây thực sự là một thách thức đối với ông khi người thuê trả lại mặt bằng, không ký tiếp hợp đồng. Dù chủ nhà đã hỗ trợ điều chỉnh, giảm giá thuê mặt bằng nhưng khách hàng vẫn quyết định chấm dứt hợp đồng. Nhiều tuần nay ông đã đăng tin quảng cáo cho thuê, chuyển nhượng mặt bằng trên các kênh trực tuyến, trực tiếp nhưng vẫn chưa có khách hàng phù hợp hỏi thuê.
Hiện nay, một số đơn vị kinh doanh có ý định chờ đến năm 2024 để thuê mặt bằng nhằm hưởng lợi từ chính sách giảm giá 10% phí thuê đất thương mại, dịch vụ của thành phố. Anh Lê Văn Dũng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ, anh mong chờ ưu đãi từ chính sách điều chỉnh giảm 10% giá đất đối với loại hình thương mại, dịch vụ của thành phố và kỳ vọng vào tương lai để đưa ra quyết định đầu tư lâu dài hơn và tối ưu hóa chi phí vào đầu năm sau. Đây có thể xem là cơ hội để những người có nhu cầu giảm chi phí thuê mặt bằng, tăng cường lợi nhuận trong kinh doanh.
Anh Dũng tin tưởng sau khi tình hình kinh tế khả quan, thị trường bất động sản và kinh doanh sẽ ổn định hơn, điều đó giúp anh có nhiều lựa chọn tốt hơn về mặt bằng với giá thuê hợp lý. Dù vậy, việc chờ đợi chính sách này cũng có thể mang lại rủi ro, đặc biệt khi dự báo về kinh tế không chắc chắn do thị trường bất động sản đang có nhiều biến động. Nếu người có nhu cầu thuê mặt bằng chậm trễ có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, tiếp cận thị trường người tiêu dùng.
Trong khi đó, một số người cho rằng, việc chuyển đổi hình thức kinh doanh từ trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến để tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, tiếp cận được khách hàng phong phú, đa dạng. Chị Phan Thị Hoàng Lan (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) từng có 5 năm mở nhà hàng kinh doanh, tới nay, chị đã trả lại mặt bằng để bán hàng tại nhà bằng hình thức trực tuyến.
“Trước đây, chi phí thuê mặt bằng thường chiếm từ 10-30% doanh thu cửa hàng. Từ khi kinh doanh trực tuyến, tôi đã cắt giảm được nhiều chi phí như mặt bằng, nhân viên, điện, nước. Tôi không có ý định trở lại với việc thuê mặt bằng để kinh doanh”, chị Lan nói.
Nguồn cung mặt bằng tăng mạnh trong những năm qua cũng là nguyên nhân làm thị trường cạnh tranh hơn. Là chủ của nhiều mặt bằng kinh doanh, anh Nguyễn Văn Phát (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nhận định, thị trường mặt bằng kinh doanh đang dần bão hòa và có xu hướng giảm nhiệt dẫn đến rất nhiều vị trí treo biển “cho thuê, chuyển nhượng, bán”. Để thu hút người thuê mặt bằng kinh doanh tại Đà Nẵng, chủ nhà có thể áp dụng phương án nâng cấp và hiện đại hóa mặt bằng, cải thiện và cơ sở vật chất, bảo đảm mặt bằng có đầy đủ tiện ích và phù hợp với nhu cầu kinh doanh hiện đại, tạo không gian làm việc thoải mái.
Bên cạnh đó cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để quảng bá mặt bằng; cung cấp ưu đãi và chính sách linh hoạt; tạo điểm nhấn độc đáo cho sản phẩm; xây dựng mối quan hệ gắn kết với người thuê; đánh giá lại chiến lược kinh doanh. Bằng cách kết hợp các chiến lược trên, chủ sở hữu mặt bằng có thể tạo ra một môi trường thuê hấp dẫn và thu hút người thuê kinh doanh tại Đà Nẵng.
CHIẾN THẮNG