Mực nước đập An Trạch hạ thấp ảnh hưởng sản xuất nước sinh hoạt

.

Lúc 2 giờ ngày 10-1, mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch hạ thấp xuống mức kỷ lục 1,45m rất bất thường khi mới vừa trải qua mùa mưa lũ, thấp hơn mức lịch sử vào tháng 8-2023 đến 150mm.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang nạo vét bùn, cát bồi lắng tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ để bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang nạo vét bùn, cát bồi lắng tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ để bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo quy định của quy trình vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 82/2005/QĐ-BNN ngày 20-12-2005), trong mùa kiệt (từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm), các công ty khai thác công trình thủy lợi trong hệ thống phải kiểm tra và đóng kín các đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít, Hà Thanh trừ trường hợp xảy ra lũ tiểu mãn. Khi xuất hiện các tình huống đặc biệt chưa được quy định trong quy trình này, việc vận hành hệ thống và phòng, chống lụt bão của từng công trình trong hệ thống phải theo sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Đà Nẵng. Mực nước dâng bình thường của đập dâng An Trạch là 2m, đây cũng là cao trình ngưỡng tràn của 12 cửa van.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng lúc 7 giờ 45 ngày 8-1, dù mực nước tại thượng lưu đập dâng (đo tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch) là 1,84m, dưới mực nước dâng bình thường 160mm, nhưng có đến 7 cửa van tại đập An Trạch không được đóng kín và để cho nước chảy qua, nhiều nhất là tại các cửa van số 1, 2, 5 và 12. Hình ảnh và thông tin về các cửa van của đập An Trạch không được đóng kín như quy định và để nước chảy qua ngưỡng tràn dù cao trình mực nước dưới 2m đã được chuyển đến lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Tuy nhiên, do tình trạng trên không được khắc phục kịp thời nên mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch tiếp tục bị hạ thấp, nhất là lúc 2 giờ ngày 10-1-2024, hạ thấp xuống mức kỷ lục 1,45m.

Tính từ 16 giờ ngày 7-1 đến 12 giờ ngày 10-1, mực nước tại đây chưa dâng lên được mực nước dâng bình thường (2m) dù các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia xả nước về nhiều (thủy điện A Vương xả nước với lưu lượng lớn gấp 1,5 lần so với lưu lượng tối thiểu, thủy điện Sông Bung 4 xả lớn gấp 3 lần lưu lượng tối thiểu), do nước không được trữ lại tại đập An Trạch. Do mực nước sông Yên tại đập An Trạch và sông Cẩm Lệ hạ thấp, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang khẩn trương nạo vét bùn, cát bồi lắng ở khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ và 2 trạm bơm phòng mặn An Trạch để khai thác nước đủ trữ lượng, bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho thành phố.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng Võ Tiến Dũng cho biết, dự án Đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đập dâng An Trạch (do đơn vị được giao làm chủ đầu tư, điều hành dự án) mới được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện đơn vị còn phải hoàn thành rất nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư nên sớm nhất đến cuối quý 2 hoặc đầu quý 3-2024 mới có thể khởi công được. Do đó, trong thời gian trước mắt cũng như thời gian chờ khởi công dự án, đơn vị đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng phải sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, bảo đảm vận hành đập An Trạch an toàn và phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất ổn định trong năm 2024.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.