Sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 217,5 tỷ đồng, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đang được triển khai nạo vét bùn đáy và nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng để đáp ứng tiêu chí cảng cá loại 1, cải thiện môi trường và đồng bộ dịch vụ hậu cần nghề cá, hướng đến trung tâm nghề cá lớn của khu vực miền Trung gắn với phát triển du lịch.
Bến tàu mới có mái che vừa được xây dựng xong và đưa vào sử dụng giúp nhiều tàu cá có thể cập cảng cùng lúc, thuận tiện bốc, dỡ hải sản và tiếp nhận lương thực, nước uống, hậu cần nghề cá. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nâng cấp, mở rộng cảng cá, cải tạo chợ đầu mối thủy sản
Trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Nguyễn Lại phấn khởi cho hay, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang, các hoạt động bốc, dỡ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng cá Thọ Quang diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn trước đây. Theo đó, một bến cập tàu mới được xây dựng với chiều dài 150m (rộng 9,5m) và có mái che toàn bộ bến, bảo đảm cho nhiều tàu cá trực tiếp cập bến cùng lúc để bốc, dỡ thủy sản và tiếp nhận nhiên liệu, lương thực thực phẩm, thay vì phải cập tàu nhiều hàng.
Bên cạnh đó, bến tàu số 2 được nối dài thêm hơn 80m và có mái che; phần mặt nước sau bến được san lấp để làm sân nền bê-tông (rộng hơn 8.000m2) phục vụ tập kết, vận chuyển hải sản; có nhà lồng nối bến số 2 với chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, không chỉ che nắng, mưa cho nhiều người mà còn hạn chế ảnh hưởng đến độ tươi của hải sản...
Hiện nay, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đang triển khai giai đoạn 2 của dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang với hạng mục nối bến số 1 và 3 với bến số 2 và bến mới được xây dựng trong giai đoạn của dự án. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, trạm xử lý nước thải, đường nội bộ và hệ thống thu, thoát nước mưa... Những công trình này sau khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao năng lực, công suất và hiệu quả các hoạt động của cảng cá, chợ cũng như cải thiện hạ tầng và môi trường, không chỉ hướng đến trung tâm nghề cá lớn của khu vực miền Trung, mà còn góp phần thu hút, phục vụ du lịch.
Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng Võ Tiến Dũng cho biết, dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương. Dự án đã được khởi công vào tháng 1-2024 và dự kiến hoàn thành giữa năm 2025 với khối lượng thi công lớn, đặc biệt là vừa thi công, vừa bảo đảm thông suốt toàn bộ hoạt động của khu vực, nhất là việc cải tạo, nâng cấp chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang. Việc này đòi hỏi sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị liên quan để dự án được thi công bảo đảm tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, với thời hạn hoàn thành dự án được ấn định là giữa năm 2025, nhưng kế hoạch vốn năm 2024 được bố trí cho dự án chỉ 50 tỷ đồng. Do đó, để bảo đảm tiến độ thi công dự án, đơn vị đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí bổ sung 30 tỷ đồng trong năm 2024 và tiếp tục bố trí vốn trong năm 2025 để kịp giải ngân, hoàn thành thi công cho dự án.
Chất nạo vét trong âu thuyền Thọ Quang được xà lan đưa ra nhận chìm đúng vị trí quy định. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Cải thiện môi trường
Khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang không còn là một điểm nóng ô nhiễm môi trường như 15 năm trước và được các cơ quan chức năng ghi nhận là môi trường đang dần được cải thiện trong 10 năm trở lại đây. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đang chỉ đạo nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi để nạo vét bùn đáy, nhằm góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Lê Minh Tuấn thông tin: “Theo kế hoạch, khoảng quý 4-2024 sẽ hoàn thành nạo vét âu thuyền Thọ Quang. Nhà thầu rất quyết tâm đẩy nhanh tiến độ nạo vét âu thuyền. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thời tiết mưa, gió, việc nạo vét gặp khó vì có nhiều tàu, thuyền về neo đậu chật kín nên không có mặt bằng để thi công. Chúng tôi mong các đơn vị, địa phương liên quan và ngư dân tạo điều kiện, hỗ trợ để có mặt bằng cho nhà thầu thi công lúc thời tiết thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường và nâng cao sức chứa, độ an toàn cho tàu cá di chuyển, neo đậu trong âu thuyền”.
Ông Nguyễn Lại cũng cho hay, gần đây, môi trường nước và không khí tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã được cải thiện, đặc biệt, nhiều ngư dân, tiểu thương, người hoạt động trong âu thuyền đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về bảo vệ môi trường. Công tác khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại đây được lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp quản lý vệ sinh môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong bộ tiêu chuẩn về cảng cá chưa có nội dung quy định cụ thể về việc thu gom rác thải, nước thải từ tàu cá. Do đó, UBND thành phố và các sở, ban, ngành xem xét kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xây dựng, quy định nội dung quản lý chi tiết về vệ sinh môi trường; cần quy định, ràng buộc trách nhiệm của các cảng cá, các địa phương để có sự đồng bộ, thống nhất chung về công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, UBND thành phố cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đấu thầu dọn vệ sinh môi trường khu vực mặt nước và bờ kè âu thuyền; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường; có định hướng quy hoạch chuyển các ngành như đóng, sửa tàu thuyền; kinh doanh bột cá ra khỏi khu vực nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường... từng bước hình thành địa điểm du lịch.
HOÀNG HIỆP