Cho ý kiến về thí điểm các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các chính sách đề xuất không quan trọng nhiều hay ít mà phải "trúng" và "đúng", thực sự cần thiết và tháo gỡ được vướng mắc, giúp địa phương có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. |
Chiều 4-4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Cùng dự có Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Phó Trưởng Ban soạn thảo; Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh; đại diện các bộ, ngành là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Các nội dung của chính sách trong đề cương dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể. Nhóm thứ nhất gồm 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng.
Nhóm thứ hai gồm 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm liên quan đến: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan; quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiền lương, thu nhập.
Quang cảnh cuộc họp. |
Trong đó, có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm tại các Nghị quyết đặc thù; 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố; và 5 chính sách đề xuất mới.
Các chính sách mới được đề xuất theo thực tế của thành phố, cụ thể:
Chính sách 1: Các cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố và giao cho tổ chức sự nghiệp công lập quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: đơn vị sự nghiệp công lập này được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất và được thực hiện cho thuê lại đất.
Chính sách 2: Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu. Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, dịch vụ hậu cần cảng, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Trường hợp việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thì Ủy ban nhân dân thành phố có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung điều chỉnh liên quan đến nội dung Khu thương mại tự do Đà Nẵng sau khi lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng quy định về chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như đối với doanh nghiệp ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Chính sách 3: Thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm: trung tâm logistics, khu hậu cần dịch vụ logistics…
Chính sách 4: Thí điểm về đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chính sách 5: Về thí điểm cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công; miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ tài chính; cơ chế hoạt động đầu tư công cho Trung tâm tính toán hiệu năng cao để hỗ trợ cho lĩnh vực bán dẫn vi mạch và trí tuệ nhân tạo; cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng tài sản công; cơ chế đặc thù về đào tạo, thu hút nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn vi mạch và trí tuệ nhân tạo.
Các chính sách đề xuất phải "trúng và đúng", bảo đảm khả thi
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban soạn thảo cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo quy trình thông qua tại một kỳ họp (tháng 5-2024).
Nhấn mạnh thời gian không còn nhiều, Bộ trưởng đề nghị cần hết sức khẩn trương, rà soát kỹ lưỡng các chính sách để bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp thực tiễn, đưa vào được cuộc sống giúp Đà Nẵng có thể tận dụng các cơ hội để phát triển theo các định hướng thành phố đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. |
Đối với 5 chính sách đề xuất mới, Bộ trưởng cho rằng những chính sách này phải thực sự vượt trội, đặc thù, đi trước một bước, đồng thời cần đánh giá những chính sách này tác động thế nào đến hệ thống pháp luật nói chung.
Bộ trưởng đề nghị phải rà soát kỹ lưỡng các chính sách đề xuất mới bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thuyết phục, nhấn mạnh các chính sách không quan trọng về số lượng, mà cần phải xác đáng, thực sự là một điểm nhấn "tháo ngòi nổ" để đưa thành phố "bùng lên phát triển mạnh mẽ".
"Các chính sách không giới hạn nhiều hay ít mà quan trọng là phải trúng và đúng, thực sự cần thiết và tháo gỡ được vướng mắc, giúp địa phương có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, thực hiện các mục tiêu, định hướng, quy hoạch để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Đi vào những nội dung cụ thể, Bộ trưởng đề nghị thành phố Đà Nẵng tập trung một số vấn đề lớn, thứ nhất là cần làm rõ hơn nữa nội dung, nội hàm khái niệm Khu thương mại tự do. Theo Bộ trưởng, về bản chất, khu thương mại tự do là một khu kinh tế tổng hợp, dùng các cơ chế chính sách mạnh, mở cửa để thu hút đầu tư, thuận lợi cho vấn đề buôn bán; giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục; giảm tối đa các danh mục hạn chế đầu tư.
Đối với lĩnh vực bán dẫn, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là ngành rất quan trọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao làm đầu mối về lĩnh vực này, trong đó có đề án đào tạo 50 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn vào năm 2030.
Bộ trưởng cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng nên tham gia vào khâu kiểm thử, thiết kế, phần sản xuất thì trước mắt thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài. Đồng thời, tập trung vào đào tạo nhân lực, đổi mới sáng tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, đây là hướng đi phù hợp.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu ý kiến. |
Giải trình thêm về các nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết trong 5 chính sách mới mà thành phố đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm, có 2 chính sách mang tính chất đột phá, khác biệt với tất cả các chính sách đã được ban hành cho các địa phương trước đây, gồm: chính sách về khu thương mại tự do và đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố quyết định thu hút đầu tư vào bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Việc hình thành khu thương mại tự do được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho phát triển ngành dịch vụ, vốn là một trong những lĩnh vực thế mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế của thành phố. Trong khi đó, với đề xuất về thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng muốn tiên phong trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này, góp phần vào mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn của Chính phủ.
Theo nhandan.vn