Trên cả nước, ở một vài nơi, tình trạng khai thác quá mức, nhất là sử dụng các biện pháp có tính hủy diệt như: dùng xung điện, chất độc, chất nổ khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng môi trường và sức khỏe con người. Tại Đà Nẵng, thực tế hiện nay tình trạng ngư dân sử dụng các loại lưới giã cào, lờ xếp… khai thác tận diệt vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến sự đa dạng của các loại thủy sinh vật vùng rạn san hô ven biển. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc ngăn chặn các hình thức khai thác tận diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Vừa qua, Đồn Biên phòng Non Nước, Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp chính quyền địa phương 3 phường biên giới biển ở quận Ngũ Hành Sơn tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân tự giác giao nộp các thiết bị, vật liệu, dụng cụ, ngư cụ khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt. Đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác đánh bắt trên biển và nghiêm cấm các hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán các loại ngư cụ, vật liệu nổ trái phép…
Thiếu tá Đồng Đắc Anh, Phó đồn trưởng (phụ trách Đồn Biên phòng Non Nước) cho biết, đơn vị tổ chức triển khai 3 tổ công tác gồm 9 cán bộ tuyên truyền tại 3 phường biên giới biển của quận Ngũ Hành Sơn, phát hơn 200 tờ rơi. Qua đó ngư dân tự giác giao nộp 10 kích điện, 15 cần kích, 20m lồng bát quái, 9 hộp nhựa đựng dụng cụ kích điện.
Tại khoản 7, Điều 7, Luật Thủy sản năm 2017 quy định nghiêm cấm các hành vi “sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”. Vì vậy, việc sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác thủy sản là hành vi trái pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định.
Tại Điều 28, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định: Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 3-6 tháng…
Đại tá Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong nhân dân, hạn chế thấp nhất vi phạm do thiếu hiểu biết về pháp luật cần được triển khai hiệu quả. Đồng thời bộ đội biên phòng phối hợp các lực lượng quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng để có biện pháp quản lý, đấu tranh phù hợp, hiệu quả nhằm ngăn chặn việc khai thác thủy sản mang tính hủy diệt.
Thiết nghĩ, việc bảo vệ, khôi phục và tái tạo nguồn lợi thủy sản cần được quán triệt, tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện trong toàn hệ thống chính trị, toàn dân, để người dân xem đây là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của họ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, nhất là lực lượng tuần tra trên biển cần tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là đối với các phương tiện đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Các ngành chức năng cần phân loại kích cỡ ngư cụ khai thác và cấm những phương tiện khai thác có tính tận diệt, đồng thời hỗ trợ sinh kế, nghề nghiệp chuyển đổi cho ngư dân ven biển.
KIM NGÂN