Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn Đà Nẵng

.

UBND thành phố vừa phê duyệt kết quả nghiên cứu đề án Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được xem là hướng đi triển vọng. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được xem là hướng đi triển vọng. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Mục tiêu của đề án nhằm định hướng và xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp và dịch vụ du thuyền tại thành phố Đà Nẵng theo từng thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Sở Giao thông vận tải, Đà Nẵng có vị trí địa lý nằm ở điểm giữa của đất nước, trên trục giao thông bắc - nam là trung điểm của 4 di sản văn hóa thế giới (Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn; rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) và khả năng kết nối thuận lợi tới các điểm du lịch biển, đảo trong khu vực như Cù lao Chàm (Quảng Nam), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)... Trên phạm vi khu vực và quốc tế, thành phố Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là cảng biển Tiên Sa.

Nằm trên một trong những tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế, thành phố Đà Nẵng có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững. Đến nay, Đà Nẵng đã phát triển trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và từng bước ảnh hưởng tới khu vực Đông Nam Á.

Những năm qua, phát triển du lịch tại thành phố Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Với tốc độ tăng trưởng bình quân tăng lên hằng năm cho thấy sức hút du lịch ngày càng mạnh và Đà Nẵng đã dần khẳng định được vai trò trong phát triển ngành du lịch, trong đó việc phát triển du lịch trên sông đã được thành phố quan tâm trong nhiều năm qua. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Mỹ, Singapore... đều là các nước phát triển và có lợi thế du lịch bằng đường thủy, trong đó tập trung khai thác những thế mạnh du lịch mang tính đặc trưng như nhà hàng nổi, du lịch đêm, du thuyền... Đặc biệt, các dịch vụ du lịch mang tính phụ trợ như nhà hàng, khách sạn gắn với đường thủy, các dịch vụ kết nối vận tải đa phương thức với du thuyền... là những sản phẩm du lịch nổi bật góp phần thu hút khách. Hiện nay, đường bộ, đường sắt và hàng không tại thành phố Đà Nẵng đã có sự đầu tư đáng kể, còn đường thủy nội địa và đường biển chưa được chú trọng dù có tiềm năng rất lớn. Điều này trực tiếp hạn chế du lịch đường thủy và đường biển tại thành phố Đà Nẵng như thiếu các sản phẩm du lịch đường thủy, chưa có nhiều tuyến đường thủy được đưa vào khai thác du lịch, thiếu các khu neo đậu cho các tàu thuyền, thiếu các dịch vụ tiện nghi tại các cảng, bến phục vụ khách du lịch; chưa tương xứng với vị thế địa lý và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trong khi đó, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ;… trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…”. Đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân từng bước được nâng cao và nhu cầu du lịch trong nước đã hình thành những sản phẩm du lịch mới mang tính tất yếu như du thuyền đã xuất hiện. Điều này có cơ sở khi cho rằng du thuyền sẽ trở thành hướng đi mới trong phát triển du lịch biển và đường thủy nội địa, đặc biệt tại các địa phương có điều kiện tự nhiên và du lịch thuận lợi như Đà Nẵng.

Theo đánh giá của ngành giao thông, Đà Nẵng có hệ thống sông khá đa dạng như sông Hàn, sông Túy Loan, sông Cu Đê, sông Yên, sông Vĩnh Điện, ... Ngoài ra, vùng hạ lưu sông Đà Nẵng có bờ biển dài khoảng 74km, có vịnh nước sâu với cảng biển Tiên Sa, có thềm lục địa với độ sâu 200m, tạo thành vành đai nước nông rộng lớn thích hợp cho phát triển kinh tế tổng hợp biển và giao lưu với nước ngoài. Bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp như Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô, Làng Vân... với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có giá trị lớn cho phát triển du lịch và nghỉ dưỡng. Ưu thế chiến lược của thành phố Đà Nẵng về điều kiện tự nhiên là địa hình phong phú, đa dạng gồm núi, sông, biển và bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà). Vì vậy, việc xây dựng đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” là cần thiết, góp phần tạo động lực phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng, nhất là phát triển du lịch vốn là ưu thế của thành phố.

PHƯƠNG UYÊN

;
;
.
.
.
.
.