Xây dựng, phát triển chi hội, tổ hội, hợp tác xã nghề nghiệp

.

Hội Nông dân các cấp tích cực xây dựng, phát triển các chi hội, tổ hội, hợp tác xã nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện để hội viên nông dân liên kết phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.

Anh Trần Công Minh (giữa) cùng với sản phẩm thịt của Hợp tác xã Nông sản sạch Thanh Khê tham gia phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2023 do Hội Nông dân quận Thanh Khê tổ chức. Ảnh: C.M
Anh Trần Công Minh (giữa) cùng với sản phẩm thịt của Hợp tác xã Nông sản sạch Thanh Khê tham gia phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2023 do Hội Nông dân quận Thanh Khê tổ chức. Ảnh: C.M

Liên kết phát triển sản xuất

Với ưu điểm ít dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc nên mô hình nuôi chim cút trên địa bàn xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) phát triển hơn 20 năm qua, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Trước đây, các hộ nuôi chim cút khá đông, thiếu sự liên kết, sản phẩm đầu ra nhỏ lẻ nên chưa đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, một số hộ dân mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, phát triển đàn giống nhưng thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Năm 2018, Hội Nông dân xã khảo sát và thành lập Chi hội nghề chăn nuôi chim cút Hòa Phước nhằm liên kết, hỗ trợ các hộ chăn nuôi, nâng cao chất lượng và tạo hiệu quả đầu ra cho sản phẩm.

Ông Ngô Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phước cho biết, Chi hội nghề chăn nuôi chim cút Hòa Phước hiện có 26 hội viên với hơn 50 lao động, thu nhập trung bình hằng tháng 6-9 triệu đồng/người. Tổng số chim cút trên địa bàn khoảng 250.000 con. Tham gia chi hội, các thành viên được tạo điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm trứng cút chất lượng cung cấp cho thị trường trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, hội viên được hỗ trợ vay vốn thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư trang trại, phát triển con giống. Đặc biệt, chi hội có 3 thành viên làm đại lý, bao tiêu tất cả sản phẩm trứng cút đầu ra, giúp hội viên yên tâm trong quá trình chăn nuôi.

Đầu năm 2024, Hội Nông dân quận Thanh Khê vận động thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Thanh Khê với 7 thành viên, do anh Trần Công Minh (SN 1989, phường Xuân Hà) làm chủ nhiệm. Trước đó, anh Minh thuê lại mảnh đất hơn 4ha tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) để chăn nuôi gà, vịt, lợn cung cấp các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn. Với diện tích đất lớn, anh hỗ trợ miễn phí cho một số người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang thuê để nuôi gà, vịt, lợn. Trong đó, anh Minh là người bao tiêu sản phẩm thịt để cung cấp cho thị trường. Hằng ngày, Hợp tác xã Nông sản sạch Thanh Khê cung cấp ra thị trường khoảng 100kg thịt; trung bình thu nhập hằng tháng của các thành viên 10-12 triệu đồng/người.

Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển

Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê Đàm Văn Hùng cho biết, thời gian qua, hội vận động thành lập 17 chi hội nghề, 12 tổ hội nghề, 6 hợp tác xã, góp phần hình thành liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Tiêu chí thành lập theo nguyên tắc “5 tự’’ và “5 cùng”, gồm “tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và “cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng thụ”. Khi tham gia các chi, tổ hội hợp tác, hợp tác xã, các thành viên được tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư trang thiết bị, phát triển quy mô sản xuất. Qua đó, hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, giúp người dân ổn định đời sống.

Theo Hội Nông dân thành phố, thực hiện Đề án số 03-ĐA/HNDT ngày 27-12-2018 về “Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp tạo tiền đề hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ, giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn thành phố”, đến nay, các cấp hội đã thành lập 144 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; vận động thành lập 28 hợp tác xã và 35 tổ hợp tác. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất nấm, hoa cây cảnh, rau an toàn, nuôi cá nước ngọt, sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất bún, sản xuất chả, thực phẩm khô...

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết cho biết, khi tham gia các chi hội, tổ hội nghề, hợp tác xã, nông dân được tạo điều kiện tập huấn, nâng cao kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây được coi là giải pháp hiệu quả để cơ cấu lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Để các loại hình kinh tế hợp tác ngày càng phát triển, tăng lên về số lượng và hoạt động bền vững, Hội Nông dân các cấp cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, phương thức quản lý vận hành để hỗ trợ các mô hình sản xuất. Ngoài ra, cần nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhằm phát huy thế mạnh của từng ngành nghề, lĩnh vực để vận động người dân đăng ký thành lập, tham gia chi hội, tổ hội nghề, hợp tác xã. Qua đó, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.