Đà Nẵng là 1 trong 3 địa phương trên cả nước có chỉ dẫn địa lý sản phẩm nước mắm

.

ĐNO - Tối 27-6, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức lễ công bố quyết định, đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng và kỷ niệm 5 năm nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tham dự sự kiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tham dự và phát biểu tại sự kiện trong tối 27-6. Ảnh: VĂN HOÀNG
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VĂN HOÀNG

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước, gồm: nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết và nước mắm Nam Ô.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho sản phẩm nước mắm truyền thống được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đề nghị UBND quận Liên Chiểu cần triển khai vận hành, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” một cách hiệu quả; tổ chức trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho các hội viên hội làng nghề để phát triển sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá giới thiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm bằng nhiều hình thức trên các kênh truyền thông; phát triển mạng lưới phân phối gắn với kiểm soát chất lượng, truy suất nguồn gốc. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp để phát triển sản phẩm nước mắm Nam Ô tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Sở KH&CN phối hợp, hướng dẫn UBND quận Liên Chiểu ban hành các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm; hỗ trợ xác định các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng và trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các hội viên hội làng nghề; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cho các chủ thể về chỉ dẫn địa lý, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hội viên hội làng nghề cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm, đúng tiêu chuẩn nhằm duy trì danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm, cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu nước mắm Nam Ô.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng (bên trái) cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (bên phải) trao văn bằng bảo hộ và hoa chúc mừng cho lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu. Ảnh: VĂN HOÀNG
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng (bên phải) cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (bên trái) trao văn bằng bảo hộ và hoa chúc mừng cho lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo Sở KH&CN, sau gần 2 năm thực hiện, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 437/QĐ-SHTT ngày 3-6-2024 của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên cho sản phẩm của thành phố Đà Nẵng.

Sở KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ UBND quận Liên Chiểu triển khai một số nội dung phát triển chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" như: thiết lập mô hình quản lý, sử dụng và phát triển sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được vận hành trên thực tế; đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho các tổ chức, cá nhân sản xuất; hướng dẫn vận hành mô hình quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm nước mắm theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm…

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
.