ĐNO - Sáng 28-6, tại Đà Nẵng, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương thành phố tổ chức hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” diễn ra từ ngày 27 đến 30-6.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Đà Nẵng. Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam tham dự.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá khu vực miền Trung (vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung) là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước. Thời gian qua, khu vực có sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Về xuất nhập khẩu, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 22 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so năm 2022.
Theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vưc miền Trung trong sáng 28-6. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, Đà Nẵng giữ vị trí trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và vùng kinh tế động lực miền Trung nói riêng; đồng thời là cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và một số quốc gia đến các vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, Đà Nẵng có thị trường xuất khẩu qua hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; có trên 500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó, hơn 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên với các mặt hàng chủ lực.
Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng là hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực.
Lãnh đạo thành phố tin tưởng hội nghị cùng với chuỗi các hoạt động kết nối giao thương tổ chức tại Đà Nẵng sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng nói riêng tìm được cơ hội hợp tác, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy hơn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung bàn luận, chia sẻ các sáng kiến đóng góp khả thi, có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp như: trao đổi các nội dung phát triển kinh tế biển, hiện đại hóa các hoạt động logistics, hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hóa; thúc đẩy kinh tế xanh, thương mại điện tử; xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối quốc tế…
Ban tổ chức còn bố trí khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của 16 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số địa phương với hơn 200 nhà cung cấp, đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia tại khuôn viên bờ đông cầu Rồng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Chiều cùng ngày, các doanh nghiệp địa phương khu vực miền Trung sẽ có hoạt động giao thương trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà phân phối lớn như: Central Retail, Lotte, WinCommerce, AEON, SaiGon CO.OP, Bách hóa xanh, Ecofarm Pay…
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức còn bố trí khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của 16 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số tỉnh khu vực miền Bắc và miền Nam với sự tham gia trưng bày của hơn 200 nhà cung cấp, hợp tác xã, doanh nghiệp gồm: Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum… tại khuôn viên bờ Đông cầu Rồng từ ngày 27 đến 30-6.
VĂN HOÀNG - QUỐC CƯỜNG