Khơi thông nguồn lực để phát triển vùng miền Trung - Tây Nguyên

.

Ngày 27-6, tại hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Học viện Chính trị khu vực III tổ chức, nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm phát huy nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q
TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho biết, khu vực miền Trung - Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh, thành phố, trong đó, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ 14 tỉnh, thành phố gắn liền với kinh tế biển và vùng Tây Nguyên 5 tỉnh có lợi thế về đất và rừng. Bên cạnh những mặt đã làm được, việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực ở vùng miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Vì vậy, hội thảo bàn luận các giải pháp làm thế nào để huy động tối đa nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực đó để góp phần phát triển vùng.

PGS.TS Bùi Quang Bình, giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đề xuất 4 giải pháp. Đầu tiên là thay đổi tư duy phát triển vùng bảo đảm sự thống nhất và khách quan của thị trường, theo đó cần tách biệt không gian hành chính và không gian kinh tế vùng trong hoạch định chính sách phát triển của mỗi địa phương và toàn vùng, không địa phương nào có thể thành công dài hạn nếu tách mình ra khỏi thị trường vùng và đóng khung trong không gian hành chính của mình.

Thứ hai là cách thức phát triển của mỗi địa phương phải trong tổng thể phát triển vùng, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh yếu của từng địa phương. Thứ ba, liên kết phát triển cần lựa chọn mô hình phù hợp cho từng tiểu vùng và vùng. Cuối cùng là triển khai hiệu quả quy hoạch hướng tới các mục đích: tạo ra một không gian kinh tế thống nhất giữa các tiểu vùng và vùng; tạo ra hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với tầm nhìn dài hạn vừa để huy động vừa khai thác nguồn lực hiệu quả; tạo cơ sở pháp lý để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Châu, giảng viên Đại học CMC, nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc Quốc hội vừa chính thức thông qua nghị quyết về những cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng vào ngày 26-6 vừa qua là cơ hội vô cùng quan trọng để thành phố phát huy và huy động được những nguồn lực đang hướng tới. Trong đó cần đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, bởi đây là công nghệ cao thiết yếu, mang lại giá trị gia tăng cao. Sau khi Quốc hội thông qua, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện các vấn đề thể chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực để nắm bắt ngành công nghiệp “tỷ đô” này.

TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố cho biết, nhiều chính sách đặc thù thuộc lĩnh vực KH&CN của Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Cụ thể là hỗ trợ các chi phí thuê chuyên gia, tiền công lao động trực tiếp, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, chi phí ươm tạo, nghiên cứu phát triển, hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cho phép thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong một phạm vi nhất định…

Trước các cơ hội này, Sở KH&CN tiếp tục hoàn thiện các chính sách về thu hút, sử dụng, đãi ngộ trí thức, đồng hành cùng các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và các ngành để góp phần cùng chính quyền thành phố xây dựng Ðà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, là trung tâm khởi nghiệp đổi mới  sáng tạo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, là trung tâm kinh tế đóng vai trò động lực tăng trưởng và phát triển của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.