ĐNO - Ngày 23-7, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty TNHH STI Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị về hướng dẫn, tập huấn cho gần 100 đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để nâng cao nhận thức chung, kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính trong năm 2024 ở cấp cơ sở, gửi UBND thành phố trước ngày 31-3-2025 theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Hoàng Văn Bản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Việc kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê để có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ... trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn có nghĩa quan trọng đối với việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Hoàng Văn Bản cho rằng, hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người đối với biến đối khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển.
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone có quy định việc kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Từ các cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), các ngành có đối tượng phải giảm phát thải khí nhà kính như: công thương, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp... đã và đang tổ chức xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; đánh giá, kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện việc giảm phát thải.
Thông qua hội nghị này, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ nắm bắt được các yêu cầu về mặt pháp lý và kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, đánh giá cũng như có giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ tăng trưởng, năng suất và việc làm bền vững cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH STI Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tổng Giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam Lê Anh Hưng lưu ý, ngày 31-3-2025 là thời hạn cuối cùng mà các doanh nghiệp phải gửi báo cáo về UBND thành phố về việc kiểm kê khí nhà kính (CO2, CH4, N2O...).
Để kiểm kê khí nhà kính, cần thực hiện 5 bước. Đầu tiên, doanh nghiệp xác định phạm vi, ranh giới hoạt động và nắm bắt các cơ sở thực hiện báo cáo. Trong phạm vi đó, doanh nghiệp xác định được các nguồn phát thải và thu thập thông tin, số liệu.
Tiếp đó là thực hiện hoạt động tính toán lượng phát thải khí nhà kính, rồi kiểm soát chất lượng, đánh giá độ không chắc chắn của báo cáo kiểm kê khí nhà kính và bước cuối cùng là thẩm tra, thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
Việc kiểm kê khí nhà kính phải có đủ 2 phần là lượng phát thải ra và lượng hấp thụ vào. Từ báo cáo kiểm kê này, doanh nghiệp xác định và ban hành hạn mức phát thải khí nhà kính. Nếu lượng phát thải khí nhà kính cao hơn hạn mức đó thì doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế carbon; thấp hơn thì được bù trừ hoặc bán tín chỉ carbon, qua đó thúc đẩy thị trường carbon.
Đại diện Trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cũng cho biết, đơn vị đang hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ về kiểm toán năng lượng; kiểm kê và xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính... để góp phần thực hiện tốt quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
HOÀNG HIỆP