Phát huy vai trò, vị thế của Đà Nẵng - Bài 3: Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, thu hút nhà đầu tư chiến lược

.

Trong nội dung Kết luận số 79-KL/TW, Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, trọng điểm, liên vùng; có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thu hút nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế để phát triển thành phố.

Cảng Tiên Sa được nâng cấp để đón tàu và bốc xếp hàng, container với số lượng lớn.  Ảnh: THÀNH LÂN
Cảng Tiên Sa được nâng cấp để đón tàu và bốc xếp hàng, container với số lượng lớn. Ảnh: THÀNH LÂN

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực

Thực hiện định hướng về phát triển không gian, nhiệm vụ phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Ðà Nẵng đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai, hoàn thành các dự án được Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng như: nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, nâng cấp cảng Tiên Sa (giai đoạn 2), đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường cao tốc La Sơn - Hòa Liên, đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Hòa Liên - Túy Loan, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 14B...

Đối với dự án đường nối cảng biển Liên Chiểu và phần cơ sở hạ tầng dùng chung của cảng biển Liên Chiểu, hai công trình đầu tư công trọng điểm của thành phố đang được Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đôn đốc các nhà thầu tập trung thi công và cơ bản đáp ứng được tiến độ thi công đã cam kết. Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở ưu tiên Đà Nẵng Lê Thành Hưng cho biết, ban luôn yêu cầu các nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi, mặt bằng, tập trung nhân lực, vật lực, thi công 3 ca, không nghỉ các ngày lễ để bảo đảm tiến độ đề ra; đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng để đáp ứng tiến độ thi công.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh tổ chức thi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung thuộc dự án cảng biển Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư 6.955 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thành phố đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện thủ tục để kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu với tổng vốn 48.729 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Theo đó, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược và đầu tư tổng thể có phân kỳ theo từng giai đoạn, phù hợp với dự báo khối lượng hàng hóa thông qua cảng và tiến độ các hạng mục công trình đang được đầu tư xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2023-2030, đưa vào khai thác 4 bến tàu container; từ năm 2030-2040, xây dựng thêm 3 bến tàu tổng hợp, 4 bến tàu container, 5 bến cho tàu SB; đến năm 2045, đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước.

Không chỉ dự án cảng biển Liên Chiểu, sau khi các quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định, nhu cầu nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhất là các công trình dự án trọng điểm, động lực trong giai đoạn 2026-2030 là rất lớn để đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong danh mục các công trình động lực, trọng điểm, các dự án có quy mô lớn đã được Trung ương và thành phố xác định là cơ sở để thành phố tăng tốc phát triển, thực hiện vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực như: di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng; đường sắt đô thị Đà Nẵng (gồm 2 tuyến); đầu tư tuyến kết nối giao thông phía đông và phía tây sân bay Đà Nẵng; nâng cấp cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng khai thác của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; tuyến đường kết nối đường vành đai phía tây với đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Hòa Liên - Túy Loan; tuyến đường số 9 nối Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với đường vành đai phía tây; Trung tâm nghề cá lớn thành phố Đà Nẵng; cụm nút giao thông đường Lê Thanh Nghị - Cách mạng Tháng Tám - Thăng Long - đường dẫn lên cầu Hòa Xuân...

Đặc biệt, các dự án vận tải công cộng khối lượng lớn, các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần cảng biển Liên Chiểu, ga hàng hóa (hậu cần đường sắt); dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèm; Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng (hạng A, đầu tư mới); các cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, Hòa Liên 2, Hòa Nhơn, Hòa Nhơn 1, Hòa Nhơn 2, Hòa Nhơn 3; các khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh; Bệnh viện 1.000 giường phía tây thành phố; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Thư viện Khoa học Tổng hợp phía nam thành phố…

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển

Trong các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng mà Quốc hội vừa thông qua, có chính sách phân cấp cho thành phố được tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, nhằm  nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, hạn chế việc phải điều chỉnh dự án...  Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy chia sẻ, hiện các dự án đang bị phụ thuộc vào quy định phải có từ 30% mặt bằng trở lên mới được mời thầu xây lắp, mà công tác giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Vì vậy, việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công để thực hiện riêng thì rất tốt cho việc triển khai dự án đầu tư.

Quốc hội cũng thống nhất cho thành phố Đà Nẵng có chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược với mức đầu tư rất lớn đối với các ngành nghề trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn,  vi mạch điện tử tích hợp (IC), logistics, cảng biển Liên Chiểu, hậu cần cảng biển, khu công nghiệp sinh thái... Đây được xem là chiến lược thu hút nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn thành phố. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho biết, trong các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng mà Quốc hội vừa thông qua có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các dự án, trong đó có dự án cảng biển Liên Chiểu, logistics... với tổng số vốn thu hút đầu tư rất lớn. Bên cạnh huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư chiến lược, thành phố cũng sẽ khai thác nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư các dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, động lực như: di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị, các tuyến giao thông khối lượng lớn (MRT, LRT...), ưu tiên nguồn lực từ xã hội.

Thu hút nhà đầu tư chiến lược
Tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố; có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP), thu hút nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.... Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn... Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn; chuyển đổi khu bến Tiên Sa thành trung tâm du lịch - dịch vụ biển. Tiếp tục mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cùng với các khu đô thị, dịch vụ vệ tinh trở thành tổ hợp khu đô thị - công nghệ cao sáng tạo, hiện đại, hạ tầng đồng bộ. Khẩn trương triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng kinh tế động lực miền Trung; xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh. Ưu tiên và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các công trình, dự án đã được nghị quyết đề ra. (Nguồn: Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị)

THÀNH LÂN - HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.