Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2024 do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức ngày 23-7, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ, đề xuất, kiến nghị về giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Nhiều ý kiến được đưa ra tại Hội thảo Đối thoại doanh nghiệp năm 2024 do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức trong ngày 23-7. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Bảo đảm hạ tầng khu công nghiệp
Đối với kiến nghị về bảo đảm nguồn điện, thoát nước tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Điện lực Hòa Vang (Công ty Điện lực Đà Nẵng) cho biết, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được cấp điện từ Trạm biến áp 110kV Hòa Liên có công suất lắp đặt là 2x40MVA với công suất tổng là 80MVA. Hiện nay, có 65 khách hàng đang sử dụng điện tại trạm với mức tải hiện tại là 17,3MVA, đạt tỷ lệ 23% công suất lắp đặt. Nếu các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng sử dụng công suất điện tối đa (200KW/ha) thì việc cung cấp điện hoàn toàn được bảo đảm. Đối với trường hợp nhu cầu của doanh nghiệp vượt quá 200KW/ha cần sớm thông tin đến ban quản lý để có chủ trương đầu tư và Điện lực Hòa Vang để phản hồi và hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết hệ thống hạ tầng tại khu công nghiệp Hòa Khánh đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Trước đây, hệ thống thoát nước chỉ phục vụ trong khu công nghiệp Hòa Khánh, sau này, đấu nối thoát nước các khu vực lân cận vào tuyến đường mương thoát nước chính tại đường số 4, dẫn đến tình trạng quá tải dù có 4 cửa xả. “Cuối năm 2023, thành phố đã kiểm tra hiện trường, giao việc mở rộng cho Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao nghiên cứu. Thành phố sẽ có hướng đầu tư, giảm thiểu ngập nước cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp”, ông Cường cho hay.
Trước những vướng mắc nhà ở xã hội cho người lao động, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng cho biết, sau khi rà soát, thẩm định và trình 8/9 đồ án quy hoạch phân khu, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan đã rà soát và bố trí 139ha để phục vụ cho nhà ở xã hội. Đối với phân khu công nghệ cao, sở đã bổ sung 19ha. Đầu năm 2024, thành phố đã chấp thuận dự án nhà ở xã hội tại phường Hòa Hiệp Nam, khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng 1.700 căn hộ; chủ trương cấp cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm khu thiết chế công nhân bao gồm: nhà ở, văn hóa, thể thao. Mặt khác, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1-8 sắp tới có quy định mới về việc nhà lưu trú công nhân được phép xây dựng trên đất thương mại dịch vụ. Do đó, các doanh nghiệp có thể phối hợp với cơ quan quản lý xem xét lựa chọn các khu đất thương mại dịch vụ làm cơ sở lưu trú, nhà ở cho công nhân.
Cần chính sách thu hút và giữ chân lao động
Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh), cho rằng việc tuyển dụng và “giữ chân” người lao động là vấn đề nan giải mà nhiều doanh nghiệp đang đối diện. Mới đây, công ty cần tuyển 300 lao động nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Cơ cấu lao động trong công ty có 30% người lao động địa phương và 70% lao động ngoại tỉnh. Nguồn lao động nói chung, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh đang có sự chuyển dịch do các khu công nghiệp tại một số địa phương lân cận đang cần nhân sự; tình trạng người lao động nghỉ việc để chờ bảo hiểm thất nghiệp rồi mới đi làm lại… khiến doanh nghiệp khó tuyển dụng. Ông Phu đề xuất, các doanh nghiệp cần rút ngắn thời gian, quy trình và hỗ trợ chi phí xăng xe cho người lao động ở xa khi tuyển dụng; có phúc lợi rõ ràng để khuyến khích người lao động giới thiệu người nhà, đồng nghiệp, bạn bè vào làm việc.
Ông Huỳnh Nhất Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH VAFI (Khu công nghiệp Hòa Khánh), đề xuất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) có những cuộc khảo sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, tạo điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động hiệu quả.
Theo ông Trương Ngọc Hùng, Phó phòng Chính sách việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), thành phố Đà Nẵng có lực lượng lao động dồi dào với hơn 633.000 người trong độ tuổi lao động đang làm việc trên địa bàn. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đăng ký tại Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố rất nhiều, song tỷ lệ người lao động đến tìm kiếm việc làm rất ít, chỉ khoảng 15%. Sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động chủ yếu từ các nguyên nhân như người lao động chưa đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ năng, tác phong lao động; doanh nghiệp cần lao động có kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn cao; nhiều lao động có xu hướng chuyển dịch từ lao động chính thức tại các doanh nghiệp sang tự do. Đặc biệt, tiền lương bình quân của doanh nghiệp rất thấp, không đáp ứng và thu hút được người lao động.
“Các doanh nghiệp cần linh hoạt trong cơ cấu tuyển dụng, quan tâm đến công tác đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động; nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý, chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động như tiền tăng lương, tiền tăng ca, nuôi con nhỏ… xây dựng môi trường làm việc an toàn tại doanh nghiệp, thu hút và giữ chân lao động”, ông Hùng chia sẻ.
VĂN HOÀNG