ĐNO - Sáng 6-7, tại Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại học Ngoại giao Trung Quốc tổ chức cuộc họp nhóm làm việc trong khuôn khổ Mạng lưới các Viện Nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc với chủ đề “Hợp tác ASEAN - Trung Quốc về chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng". Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: M.Q |
Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao thông tin, Mạng lưới các Viện Nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc (The Network of ASEAN-China Think-tanks, viết tắt là NACT) được thành lập vào năm 2014 nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc.
Kể từ khi thành lập, NACT đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi ý tưởng, nghiên cứu và khuyến nghị chính sách về các vấn đề cùng quan tâm, từ đó giúp thu hẹp những khác biệt và thúc đẩy hợp tác.
Năm 2023 là kỷ niệm 20 năm quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Trung Quốc. Nhìn lại hành trình này, ASEAN và Trung Quốc đã trải qua hai thập kỷ thành công trong phối hợp chuỗi cung ứng và thương mại.
Khối lượng giao dịch của Trung Quốc với ASEAN tăng gần 12 lần kể từ năm 2003 và đạt mức ấn tượng 911,7 tỷ USD vào năm 2023, đưa ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất từ năm 2020 đến nay.
Trung Quốc đã trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của ASEAN, đặc biệt là hàng công nghiệp và linh kiện, đồng thời nổi lên là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ ba vào ASEAN, với tổng vốn FDI đạt 18,65 tỷ USD vào năm 2022.
Những con số này nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và sự hội nhập liền mạch của chuỗi cung ứng ASEAN - Trung Quốc, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác trong tương lai.
Bước vào thập kỷ hợp tác thứ ba, ASEAN và Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng, phải đối mặt với 3 thách thức lớn: sự phân mảnh ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu; các mối đe dọa hiện hữu do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường gây ra cũng như tác động biến đổi của các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo.
Dù có nhiều thách thức, quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc vẫn có nhiều cơ hội bằng cách tận dụng các thế mạnh chung về sản xuất, công nghệ và vốn nhân lực.
ASEAN và Trung Quốc có thể thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ xanh và tạo ra các cơ hội kinh tế toàn diện cho người dân của chúng ta.
Hơn nữa, quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho hội nhập và hợp tác sâu rộng hơn, góp phần xây dựng một khu vực và thế giới thịnh vượng, ổn định và hài hòa hơn.
Trong bối cảnh trên, Việt Nam đặt ra các ưu tiên rõ ràng trong phát triển kinh tế, tập trung vào thu hút FDI chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.
Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các dự án về công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cũng như các dự án tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu thúc đẩy Đà Nẵng và nhiều thành phố ven biển tiếp tục nâng cấp, đóng vai trò là nút thắt quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: M.Q |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi và là một trong những cửa ngõ hướng ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây, có tiềm năng trở thành một phần trong mạng lưới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu do thuận lợi trong kết nối các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, đồng thời tăng cường kết nối để đưa Đà Nẵng trở thành một đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, thành phố đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách.
Trong đó, ưu tiên phát triển một số lĩnh vực như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; công nghiệp vi mạch bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
Đặc biệt, Đà Nẵng đang huy động mọi nguồn lực để xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương.
Vừa qua, Quốc hội thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam được cho phép thành lập Khu thương mại tự do để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, thương mại, logistics.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết là động lực quan trọng, tạo điều kiện để Đà Nẵng phát triển bức phá nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á
Đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Cuộc họp hôm nay là dịp để các học giả cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm tạo điều kiện các bên liên quan tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Sau cuộc họp này, thành phố hy vọng nhiều đối tác, doanh nghiệp sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng.
Về phía chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh có hiệu quả và sinh sống an bình tại thành phố.
Theo đó, cuộc họp nhóm làm việc trong khuôn khổ Mạng lưới các Viện Nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc gồm nhiều phiên tham luận tập trung phân tích các xu hướng mới trong dịch chuyển chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và đánh giá tác động đối với kinh tế Trung Quốc và các nước ASEAN.
Từ đó thảo luận về những cơ hội và thách thức đặt ra cho các nước ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh mới, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
MAI QUẾ