Sau hơn 5 năm từ khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29-12-2018 về đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả, cơ bản hoàn thành các mục tiêu cụ thể.
Thành phố Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả, cơ bản hoàn thành các mục tiêu cụ thể sau 5 năm triển khai đề án xây dựng Thành phố thông minh. TRONG ẢNH: Hoạt động tại Trung tâm Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC). Ảnh: MAI QUẾ |
Tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp
Ghi nhận tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu sáng 1-8, hầu hết người dân tới khám, chữa bệnh sử dụng điện thoại thông minh để mở mã QR thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội Việt Nam VssID thay vì sử dụng thẻ giấy như trước đây. Bà Trần Thị Ly (tổ 50, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, từ khi cài đặt ứng dụng VssID, định danh điện tử VNeID trên điện thoại, việc khám, chữa bệnh hay thực hiện các thủ tục hành chính đều thuận tiện và tiết kiệm thời gian, đặc biệt là bớt nhiều loại giấy tờ phải mang theo.
Để mang đến sự tiện lợi cho người dân như trên, thành phố đã cập nhật thông tin số định danh cá nhân/căn cước công dân (CCCD) vào cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, thực hiện đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào CCCD gắn chip; tích hợp quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử vào ứng dụng VNeID mức 2.
Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 15-6, Bảo hiểm xã hội thành phố đã đồng bộ được gần 1,09 triệu người, đạt 99% số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện trên địa bàn thành phố.
Đây là một trong những kết quả tích cực từ triển khai đề án Thành phố thông minh. Theo đó, đề án xây dựng lộ trình triển khai theo 3 giai đoạn: đến năm 2020, sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; đến năm 2025, thông minh hóa các ứng dụng và đến năm 2030 là thông minh hóa ứng dụng cộng đồng và hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Đến nay, thành phố có 27 dự án ưu tiên thuộc đề án Thành phố thông minh hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí thực hiện 214,4 tỷ đồng; 4 dự án đã phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công với tổng kinh phí 82,5 tỷ đồng và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2024-2025; 8 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí trên 884 tỷ đồng, trong đó có các dự án đáng chú ý như hiện đại hóa trung tâm chỉ huy 404 tỷ đồng, trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh 258 tỷ đồng…
Thành phố triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp sử dụng, tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số như nền tảng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City (hơn 1,2 triệu lượt tải); nền tảng công dân số MyPortal (hơn 320.000 người dân có tài khoản); 1 kho dữ liệu số trên hệ thống Chính quyền điện tử; Cổng góp ý Đà Nẵng và Cứu hộ (1.000 lượt góp ý, phản ánh/tháng); ứng dụng Cho và nhận và Tổng đài (10.000 lượt góp ý/tháng); ứng dụng Chatbot tư vấn tự động về hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công (hơn 4.000 lượt tư vấn/tháng)…
Người dân quét mã QR để thực hiện thủ tục công trực tuyến tại UBND phường Thanh Khê Đông. Ảnh: M.Q |
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025
Theo Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 7-4-2022 về kế hoạch thực hiện đề án xây dựng Thành phố thông minh trong năm 2022-2025, Đà Nẵng ưu tiên một số nhiệm vụ: phát triển hạ tầng mạng di động 5G, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); hoàn thành nâng cấp, mở rộng trung tâm dữ liệu thành phố với nền tảng điện toán đám mây; xây dựng quy hoạch mạng lưới hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố, hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung bảo đảm khả năng xử lý đa dạng các loại dữ liệu; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm giám sát chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với Trung tâm Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC) và các trung tâm điều hành quận, huyện; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị đồng bộ, thống nhất trên hệ thống thông tin địa lý GIS với đầy đủ các lớp dữ liệu đất đai, xây dựng, giao thông…
Để thực hiện các mục tiêu trên, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dịch vụ công trực tuyến; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, thu hút nguồn lực và công nghệ, giải pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia để hỗ trợ triển khai Thành phố thông minh; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thành phố để tạo sự ủng hộ, tham gia, đồng hành trong triển khai Thành phố thông minh. Bên cạnh đó, thành phố đã có đề xuất với Trung ương ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, hướng dẫn Đà Nẵng các thủ tục, quy trình về xây dựng trạm cáp quang quốc tế cập bờ; sớm ban hành các hướng dẫn về mức độ mở của dữ liệu, các chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, tạo nguồn thu để duy trì, phát triển dữ liệu số.
Giữ vững thương hiệu “Thành phố thông minh” Qua hơn 5 năm triển khai xây dựng Thành phố thông minh, Đà Nẵng được tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao thông qua các giải thưởng: ASOCIO Smart City 2019 của Tổ chức Công nghệ điện toán châu Á - châu Đại dương; Thành phố lấy con người làm trung tâm (Human-CentriCity) của giải thưởng Thành phố thông minh Seoul lần thứ nhất diễn ra tháng 9-2023; 4 năm liên tiếp (2020-2023) được vinh danh là Thành phố thông minh Việt Nam của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam; 4 năm liên tiếp (2020-2023) đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam; 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp hạng Nhất chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh; 2 năm liên tiếp (2022-2023) là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam- I4.0 Awards”… |
MAI QUẾ