Phải thực chất lấy lại phần vỉa hè cho người đi bộ

.

Sau thời gian triển khai công tác kẻ vạch phân định vỉa hè theo chủ trương mới của thành phố, diện mạo trật tự và mỹ quan đô thị đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên các địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên mục đích lấy lại phần vỉa hè cho người đi bộ cũng như bảo đảm an sinh xã hội của người dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tình trạng để xe máy không đúng vị trí vạch phân định vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống dưới lòng đường.  TRONG ẢNH: Du khách nước ngoài di chuyển dưới lòng đường Trần Phú. Ảnh: TRẦN TRÚC
Bên cạnh những kết quả tích cực, tình trạng để xe máy không đúng vị trí vạch phân định vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống dưới lòng đường. TRONG ẢNH: Du khách nước ngoài di chuyển dưới lòng đường Trần Phú. Ảnh: TRẦN TRÚC

 Xe máy, vật dụng vẫn để lộn xộn

Qua ghi nhận thực tế tại một số tuyến đường sau khi hoàn thành công tác kẻ vạch phân định vỉa hè như Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Linh, Ngô Văn Sở... , đa phần người dân chấp hành quy định mới. Song vẫn còn tồn tại tình trạng phổ biến như để xe máy không đúng vị trí theo vạch kẻ; đỗ ô-tô trên vỉa hè; để các chậu cây xanh, biển hiệu, pano, bảng quảng cáo, bày bán hàng hóa trên vỉa hè không đúng quy định…

Chị Ngô Thị Bích Thùy (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Khi đi bộ trên cùng một tuyến đường thì sẽ thấy có những chỗ tuân thủ quy định, nhưng cũng có nhiều chỗ có xe máy cản trở và hàng hóa bày bán. Do đó, tôi phải di chuyển xuống lòng đường mới có thể đi tiếp. Rõ ràng, sự an toàn cho người đi bộ chưa thật sự bảo đảm và thậm chí ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông trên đường nữa”. Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Quang (quận Hải Châu) nhìn nhận, đây là một chủ trương đúng và phù hợp với sự phát triển của thành phố, nhưng cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đem lại sự hài hòa giữa ba đối tượng là người đi bộ, chỗ để xe máy và người kinh doanh buôn bán; đồng thời nên siết chặt trật tự vỉa hè trên các tuyến đường trung tâm đã kẻ vạch nhằm hình thành thói quen cho người dân, trước khi tiến hành kẻ thêm tại các tuyến khác.

Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện kẻ vạch phân định vỉa hè tại 86 tuyến đường, đoạn đường; trong đó có nhiều tuyến trọng điểm về du lịch, dịch vụ, tuyến đường đông du khách và nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh buôn bán. Là quận trung tâm của thành phố, Hải Châu đã thực hiện kẻ vạch phân định phần vỉa hè sử dụng tạm thời và phần sử dụng làm lối đi cho người đi bộ trên 30 tuyến đường, đoạn đường. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng kỹ thuật vỉa hè một số tuyến đường trên địa bàn quận đã xuống cấp, hệ thống cây xanh, trạm biến áp, tủ điện trên vỉa hè không đồng bộ. Những yếu tố này ít nhiều gây khó khăn trong công tác triển khai kẻ vạch vỉa hè như các tuyến đường: Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm… Cùng với đó, vỉa hè một số tuyến đường trên địa bàn quận có đặc điểm dốc xuôi về phía lòng đường, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai để xe sát bó vỉa hè theo chủ trương của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho biết người dân, tổ chức đã dần nâng cao nhận thức về việc chấp hành các quy định về sử dụng tạm thời vỉa hè theo chủ trương của thành phố. Một số tuyến đường sau khi hoàn thành kẻ vạch đã bảo đảm lối đi bộ thông thoáng, hạn chế tối đa việc di chuyển vướng các chướng ngại vật (cây xanh, hạ tầng kỹ thuật…) của người đi bộ trên vỉa hè. Với thực trạng bề rộng và cơ sở hạ tầng vỉa hè hiện nay, UBND quận đang tiến hành lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, qua đó đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc quản lý, sử dụng vỉa hè theo chủ trương của thành phố đối với các vấn đề an sinh xã hội; các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực tế tại địa phương.

Thường xuyên kiểm tra, xử lý; tạo thói quen tham gia giao thông

Xe máy để lộn xộn chiếm hết lối đi bộ trên vỉa hè ở đường Núi Thành, quận Hải Châu. Ảnh: TRẦN TRÚC
Xe máy để lộn xộn chiếm hết lối đi bộ trên vỉa hè ở đường Núi Thành, quận Hải Châu. Ảnh: TRẦN TRÚC

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Huỳnh Anh Vũ cho hay, địa phương tập trung thực hiện kẻ vạch tại các tuyến đường chính cũng như khu vực các chợ. Đến nay, UBND 5 phường đã kẻ vạch phân định vỉa hè tại 11 tuyến đường chính của quận. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã tạm giữ và xử lý nhiều vật dụng gồm: 342 bảng hiệu; 157 pano, áp phích, băng rôn; 45 dù che, bạt che; xử lý, nhắc nhở 159 trường hợp hộ dân lấn chiếm vỉa hè lòng đường, buôn bán hàng rong. Đồng thời xử phạt 19 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị với tổng mức tiền xử phạt hơn 27 triệu đồng.

Tại quận Sơn Trà, các phường trên địa bàn đã thực hiện kẻ vạch phân định vỉa hè tại 48 tuyến đường trọng điểm về du lịch, dịch vụ. Trong công tác tuyên truyền, UBND quận in 35.000 tờ khổ A4 (in màu 2 mặt) phân bổ cho các phường phát và tuyên truyền đến từng hộ dân, hộ kinh doanh; yêu cầu kết hợp ký cam kết chấp hành thực hiện theo đúng chủ trương của UBND thành phố. Đội Kiểm tra quy tắc đô thị và UBND 7 phường tổ chức ra quân xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự đô thị 174 trường hợp, với tổng số tiền gần 82 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm 2024, quận Sơn Trà phấn đấu hoàn thành kẻ vạch vỉa hè thêm khoảng 105 tuyến đường.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, “kinh tế vỉa hè” đã trở thành một nếp sống của người dân, gắn liền với thu nhập của từng hộ gia đình có mặt tiền các trục đường giao thông nội thị. Do đó, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, việc thực hiện công tác tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng. Khó khăn lớn nhất của các quận hiện nay là nguồn kinh phí; ngoài ra tại các vỉa hè có bề rộng nhỏ hơn hoặc bằng 4m thì người dân, tổ chức vẫn có xu hướng, thói quen trong việc sử dụng phần làn trong sát nhà dân vào mục đích giữ xe kết hợp buôn bán nên gây trở ngại trong công tác quản lý và tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại các tuyến đường này còn diễn ra. Thời gian đến, các địa phương trên địa bàn thành phố cần tiếp tục triển khai chủ trương phân định vỉa hè bảo đảm hiệu quả kinh tế và đáp ứng được mục đích lấy lại phần vỉa hè dành cho người đi bộ. UBND các quận chỉ đạo UBND các phường cập nhật danh sách các hộ kinh doanh, buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại, yêu cầu ký cam kết; thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè sau mỗi đợt cao điểm. 

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.
.