Tăng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng xúc tiến xuất khẩu

.

ĐNO - Chiều 2-8, trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng (EWEC) năm 2024, UBND thành phố tổ chức hội nghị “Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đến dự hội nghị về phía Trung ương có Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú. Về phía Đà Nẵng có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cùng đại diện các cơ quan ngoại giao tại các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: V.H - M.Q
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: V.H - M.Q

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, Đà Nẵng giữ vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và vùng kinh tế động lực miền Trung nói riêng; đồng thời, là cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây.

Đà Nẵng có lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực; là một trong số ít địa phương có cả cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và nằm trên các tuyến đường huyết mạch của quốc gia… giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mới đây là Nghị quyết số 136-NQ/TW ngày 26-6-2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng là các quyết sách chính trị của Đảng mang tính chiến lược để xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong tầm nhìn dài hạn thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Theo đó, thành phố hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Với những ưu thế nêu trên, Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất xuất khẩu nhiều loại sản phẩm như: cơ khí - điện - điện tử, thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ, vật liệu xây dựng - cao su - nhựa, dược phẩm - thiết bị y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ, chế biến chế tạo, hóa dược phẩm, nông sản thực phẩm...;

Các sản phẩm đặc trưng địa phương từ các làng nghề của thành phố như làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng nghề nước mắm Nam Ô, bánh khô mè, bánh tráng Túy Loan… và nhiều sản phẩm OCOP với đa dạng chủng loại...

Hiện nay, khu vực thương mại và dịch vụ là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố Đà Nẵng. Ước 6 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Mục tiêu năm 2024, GRDP thành phố tăng 8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%, thành phố đang và sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thành phố cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics; tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn; thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.

Trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng, vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)  phát biểu đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: V.H - M.Q
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.H - M.Q

Phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho hay, 6 tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại cũng đối diện với không ít thách thức.

Để tạo ra bước chuyển biến mới, phát huy tối đa vị trí, vai trò quan trọng và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của mình, Đà Nẵng cần các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và Đà Nẵng nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nội địa và thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của thành phố cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (đầu tiên, bên phải) tham quan các gian hàng trưng bày, kết nối tại hội nghị. Ảnh: V.H - M.Q
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (bên phải) tham quan các gian hàng trưng bày, kết nối tại hội nghị. Ảnh: V.H - M.Q

Được biết, hội nghị bao gồm 2 phiên. Phiên 1 là xu hướng và cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu, các vấn đề cần lưu ý đối với doanh nghiệp. Phiên 2 là kết nối doanh nghiệp.

Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác, cũng như lắng nghe các vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp.

VĂN HOÀNG - MAI QUẾ

 

;
;
.
.
.
.
.
.