ĐNO - Sở Xây dựng đã có kết quả kiểm định 9 khu nhà tập thể trên địa bàn quận Hải Châu. Trong đó, có 7 khu nhà ở tập thể được kiểm định mức độ nguy hiểm cấp C (theo thang đánh giá từ thấp đến cao, A-D), cần phải gấp rút sửa chữa; 2 khu được đánh giá cấp B, có thể tiếp tục sử dụng trong vòng 5-7 năm nữa.
Các khu tập thể được kiểm định mức độ nguy hiểm cấp C chỉ có thể sử dụng bình thường trong khoảng 3 năm đổ lại. |
Cụ thể, các nhà tập thể được đánh giá cấp C tại quận Hải Châu nằm ở các địa điểm: kiệt 33/21, 33B/12 Cao Thắng; số 24 Lê Đình Thám; số 103 Nguyễn Tất Thành; tầng 2 kiệt 81 Hải Phòng; số 109 Thanh Thủy; tầng 2 kiệt 371/6 Trưng Nữ Vương. Các khu nhà tập thể còn lại được đánh giá cấp độ nguy hiểm cấp B tại: kiệt 33/10 và 33/31 Cao Thắng.
Đối với các khu nhà tập thể được Sở Xây dựng đánh giá cấp C, thời gian có thể tiếp tục bình thường dưới 3 năm, cần kịp thời sửa chữa, gia cường các cấu kiện nguy hiểm và các hư hỏng cục bộ trước khi sử dụng tiếp. Việc sửa chữa được thiết kế thi công bởi các đơn vị có đủ năng lực theo quy định.
Tại khu nhà tập thể số 109 Thanh Thủy (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) có từ năm 1975-1977 là nơi sinh sống của 11 hộ dân. Qua khảo sát đến ngày 25-9-2024, công trình đã xuống cấp nên việc di dời để cải tạo, sửa chữa là bức thiết.
Các khu tập thể được sử dụng hàng chục năm hiện đã xuống cấp. |
Qua tìm hiểu, thành phần sinh sống tại các khu nhà tập thể là công nhân, cán bộ từng làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn từ vài chục năm trước. Hiện tại, nhiều nơi đã xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ cao đến an toàn sức khỏe, tính mạng người dân sinh sống nơi đây.
Ông Phan Thanh Hòa, người dân sinh sống ngay cạnh khu tập thể cho biết, trước đây các căn nhà được công ty đường sắt bố trí cho công nhân, người lao động ở.
Một số căn nhà ở tầng 2 phía mặt tiền đường Thanh Thủy đã xuống cấp trầm trọng nên chủ nhà đã chủ động chuyển đi để tránh nguy hiểm về an toàn tính mạng.
Nhìn tổng thể, nhiều mảng tường tại khu tập thể đã bị bong tróc để lộ phần thép chịu lực đã bị hoen rỉ lâu ngày. Trần nhà, trần la-phông được lợp trước đó được người dân tháo gỡ vì trước đó có nhiều trường hợp phần trần rơi xuống. Phần lan can tầng 2 đã bị đổ khiến người dân phải dùng thép để cột lại tránh rơi xuống đường gây nguy hiểm cho mọi người.
Phần trần nhà một số khu tập thể đã bị bong lớp bê tông để lộ phần thép chịu lực. |
Tương tự, khu nhà tập thể số 103 Nguyễn Tất Thành (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) được bố trí cho công nhân của một xí nghiệp may trong thông báo mới nhất đạt mức nguy hiểm cấp C. Sau khi kiểm định, Sở Xây dựng kiến nghị người dân cần được kịp thời sửa chữa, gia cường các cấu kiện nguy hiểm và các hư hỏng cục bộ trước khi sử dụng tiếp.
Thực tế, nhiều người dân sinh sống tại các khu nhà tập thể đã không còn ở đây và đem những căn phòng cho thuê sinh lời để chờ nhận giải tỏa.
Tuy nhiên, nếu người dân vẫn sinh sống tại đây mà không sửa chữa, gia cố sẽ cực kỳ nguy hiểm vì kết cấu, vật liệu sau hàng chục năm tồn tại đã không bảo đảm an toàn, có thể đổ, sập kiến trúc bất cứ lúc nào.
Để bảo đảm các nhà chung cư, nhà ở tập thể đã có kết quả kiểm định ở mức độ nguy hiểm cấp B và C tiếp tục sử dụng bình thường, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Hải Châu phối hợp, tổ chức thực hiện lập kế hoạch tổ chức họp thông báo kết quả kiểm định và các quy định pháp luật liên quan đến chủ sở hữu/người dân đang ở tại các nhà chung cư, nhà ở tập thể.
Một số hình ảnh khác
Những tấm la-phông được người dân tháo gỡ để tránh rơi xuống gây nguy hiểm. |
Chân trụ của lan can tầng 2 đã bị hoen rỉ, khả năng bị đổ rất cao. |
Nhiều hộ dân đã chuyển đi vì lo ngại nguy hiểm khi nhà tập thể xuống cấp. |
Lan can mạn phía kiệt 109 Thanh Thủy không còn. |
CHIẾN THẮNG - HOÀNG HIỆP