Phát triển du lịch từ các di sản phi vật thể quốc gia

.

Di sản văn hóa phi vật thể được xem là tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi quốc gia, vùng miền, có sức hấp dẫn đặc biệt để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện Đà Nẵng có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được thành phố rất quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Để phát huy các giá trị của di sản cần có sự kết hợp, đưa di sản trở thành sản phẩm của du lịch.  Trong ảnh: Nước mắm Nam Ô được trưng bày, giới thiệu tại sự kiện Mặn mà Đà Nẵng diễn ra tháng 4-2024 để quảng bá tới du khách. Ảnh: THU HÀ
Để phát huy các giá trị của di sản cần có sự kết hợp, đưa di sản trở thành sản phẩm của du lịch. TRONG ẢNH: Nước mắm Nam Ô được trưng bày, giới thiệu tại sự kiện Mặn mà Đà Nẵng diễn ra tháng 4-2024 để quảng bá tới du khách. Ảnh: THU HÀ

Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các di sản

7 di sản văn hóa phi vật thể của thành phố đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, nghề đá Non nước Ngũ Hành Sơn, nghề làm nước mắm Nam Ô, Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng, nghệ thuật bài Chòi, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, nghề làm bánh tráng Túy Loan.

Những người làm du lịch cho rằng, trong số các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận có 3 di sản là nghề thủ công (nghề điêu khắc mỹ nghệ đá Non Nước, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm bánh tráng Túy Loan), đây là những lợi thế rất lớn của Đà Nẵng trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề truyền thống.

Là một trong những người trực tiếp thực hành làng nghề, anh Bùi Thanh Phú, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), cảm thấy rất vui mừng khi Đà Nẵng có các di sản văn hóa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có các làng nghề truyền thống.

Theo anh Phú, cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề làm nước mắm Nam Ô mang trong mình giá trị văn hóa rất lớn. Những người đang làm, duy trì, phát triển làng nghề tại Nam Ô mong muốn thành phố có các chủ trương, chính sách phát triển làng nghề hơn nữa; đồng thời ngành du lịch cần tạo điều kiện để các hộ tại làng nghề nước mắm Nam Ô có không gian để đón các đoàn khách lớn, có các tour đưa khách về tham quan trải nghiệm.

Việc phát triển làng nghề trở thành một sản phẩm du lịch vừa góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương, vừa hỗ trợ những người thực hành các di sản đó có thêm động lực, bảo tồn, giữ gìn và phát triển làng nghề.

Đồng quan điểm, ông Lưu Vạn Tâm Anh, Trưởng ban quản lý Làng nghề đá Non Nước, cho hay để thúc đẩy sự phát triển của làng nghề, các cơ sở trong làng nghề đều áp dụng công nghệ hiện đại trong chế tác, thiết kế. Với mong muốn đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, nhiều người trẻ đã tự học hỏi nâng cao trình độ nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, bài bản để không chỉ nâng cao giá trị của các sản phẩm đá mỹ nghệ mà còn tạo sức hấp dẫn cho khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thời gian tới làng nghề sẽ cải tạo môi trường, cây xanh, khi du khách vào tham quan được trải nghiệm đục khắc đá, mang sản phẩm tự tay làm về. Làng nghề tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà truyền thống, trong đó trưng bày sản phẩm làng nghề, hình thành các tour đi bằng xe điện hoặc đi bộ... để phục vụ du khách.

Du khách trải nghiệm làng nghề làm bánh tráng Túy Loan tại Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2024. Ảnh: THU HÀ
Du khách trải nghiệm làng nghề làm bánh tráng Túy Loan tại Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2024. Ảnh: THU HÀ

Phát huy các giá trị của di sản

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, Đà Nẵng có 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nguồn tài nguyên, là tư liệu rất quý đối với ngành du lịch. Đây chính là những cái “chất” để những người làm du lịch có thể dựa vào đó xây dựng lên các chương trình, sản phẩm du lịch liên quan, như du lịch về văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, văn hóa làng nghề…

Việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa ẩm thực, văn hóa địa phương không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sức hút cho điểm đến đối với du khách, nhất là khách quốc tế.

Thời gian qua, các ngành văn hóa, du lịch thành phố có nhiều hoạt động để giới thiệu các sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể tới du khách như thường xuyên biểu diễn bài Chòi, đưa Tuồng xuống phố, duy trì và phát triển lễ hội Cầu ngư, lễ hội Quán Thế Âm, quảng bá các làng nghề truyền thống tại các sự kiện, lễ hội lớn...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, 7 di sản mà Đà Nẵng đang có là hết sức giá trị đối với du lịch thành phố trong việc phát triển theo hướng du lịch văn hóa, khai thác các giá trị văn hóa bản địa để làm phong phú thêm hệ sinh thái điểm đến. Đây là mảnh ghép còn thiếu của du lịch Đà Nẵng, bổ sung cho các sản phẩm mà thành phố đang hướng tới.

Tuy những sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa của Đà Nẵng hiện nay còn hơi mỏng, nhưng nếu kết hợp với 7 di sản đang có sẽ làm tiền đề cho du lịch phát triển văn hóa bản địa. Song, muốn khai thác được thì cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để có thể hình thành sản phẩm.

Thành phố nên chọn lựa những di sản có thể phối hợp với giá trị văn hóa tự nhiên, thiên nhiên, hạ tầng khác để hình thành sản phẩm dịch vụ như làng nghề bánh tráng Túy Loan có thể kết hợp với tuyến du lịch đường sông, kết hợp tham quan đình làng, nhà cổ, trải nghiệm làng rau hoặc làng nghề nước mắm Nam Ô kết hợp với tuyến tham quan Hải Vân Quan... để hình thành cụm sản phẩm. Khi đã hình thành được những sản phẩm gắn với giá trị của làng nghề thì mới có thể khai thác tốt và hiệu quả giá trị của những di sản này.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.