ĐNO - Sáng 27-9, tại Đà Nẵng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số khu vực các tỉnh miền Trung. Tham dự hội thảo có Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch
Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Khắc Lịch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q |
Ông Nguyễn Khắc Lịch cho hay, doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng năm 2024 ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 chương, 73 Điều quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm: hoạt động công nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số.
Luật này không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban soạn thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là quản lý và phát triển, nhưng nghiêng nhiều hơn về phát triển. Ông cũng lý giải những băn khoăn của các đại biểu về phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó công nghệ số có nội hàm gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới.
Luật dự kiến quy định sản xuất sản phẩm công nghệ số, cung cấp dịch vụ công nghệ số là ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Một nội dung đột phá nữa của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số.
Trong trường hợp pháp luật chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm có kiểm soát về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm, quyền, trách nhiệm của các đối tượng có liên quan.
Luật dự kiến quy định miễn trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền cho phép thử nghiệm và của tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm. Một điểm mới và mạnh khác là Luật đặt trọng tâm vào phát triển nhân lực.
Công nghệ số là ngành công nghệ cao, vì vậy cần nhân lực chất lượng cao và Luật giao cho Chính phủ ban hành các quy định để tạo mọi điều kiện thuận lợi về đời sống, điều kiện làm việc… để thu hút nhân tài.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q |
Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số và cho ý kiến về: hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số; khái niệm tài sản số; tiêu chuẩn, kỹ thuật trong công nghiệp số.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch cho biết, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là cơ sở để thành phố xây dựng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thời gian tới.
Việc triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 chắc chắn sẽ có nhiều điểm liên quan với Luật công nghiệp công nghệ số, nên hy vọng Quốc hội sẽ sớm hoàn thiện khung pháp lý cũng như ban hành Luật mang tính thống nhất, đồng bộ của dự án luật trong tổng thể hệ thống pháp luật
Về góp ý dự thảo Luật, ông Thạch đề xuất cần quy định thêm chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài (FDI) và các ưu đãi về hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần quy định rõ ưu đãi, nếu giảm thuế, giảm tiền thuê đất thì ở mức nào phù hợp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q |
Phát biểu kết luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là dự án luật mới, dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp công nghệ thông tin, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ và đồng bộ với các dự án luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho thực thi, áp dụng.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều ý kiến góp ý phong phú, chuyên sâu và tương đối toàn diện vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Các ý kiến tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các vị đại biểu Quốc hội phục vụ thiết thực trong quá trình xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật.
MAI QUẾ