Tín hiệu tích cực từ công nghiệp chế biến, chế tạo

.

Với vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp thành phố, nhóm ngành chế biến, chế tạo đang có những tín hiệu sản xuất tích cực. Sản phẩm của nhóm ngành không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao.

Sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất

Ghi nhận vào ngày 18-9, hơn 3.500 người lao động, công nhân tại 3 nhà máy của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đang tập trung sản xuất sản phẩm cần câu và guồng quay phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm 2024. Công ty vừa đầu tư nhiều máy móc với trị giá hàng chục tỷ đồng để tối ưu năng suất, nâng hiệu quả của các công đoạn sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc thông tin, năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu khoảng 100 triệu USD. Hiện giá trị hợp đồng công ty đã ký kết tới thời điểm này đạt 90-100 triệu USD, nên khả năng đạt và vượt mục tiêu doanh thu năm 2024 là hoàn toàn khả quan. Kết quả này có được nhờ hoạt động sản xuất ổn định và lượng hàng tiêu thụ tại các thị trường đối tác của công ty tăng. Đến nay, công ty đã ký kết các đơn hàng cho quý 1-2025 và dự kiến kế hoạch mục tiêu doanh thu năm 2025 tăng 10-15% so với doanh thu thực tế của công ty năm 2024. Để làm được điều này, công ty đang tăng tuyển dụng nhân sự với nhu cầu khoảng 300-400 người cho thời gian tới.

Cũng tại KCN Hòa Khánh, Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu vừa đầu tư phần mềm để vận hành tự động các máy móc mới, qua đó nâng cao năng suất và hướng tới các thị trường cao cấp như Mỹ và châu Âu. Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc thông tin, doanh thu 8 tháng năm 2024 tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt xấp xỉ 72% kế hoạch doanh thu năm (380 tỷ đồng). Kết quả trên có được là do công ty đầu tư hoàn thiện 2 máy in offset trị giá 30 tỷ đồng từ đầu năm 2024. Sau khi đầu tư máy móc, các sản phẩm của công ty đạt chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trong khi đó, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty CP Dược Danapha lũy kế đến ngày 30-6-2024 đạt 284,3 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện thị trường xuất khẩu của Danapha trên 20 quốc gia tại châu Âu như Nga, Uzbekistan, Bulgaria… và khu vực Đông Nam Á.

Ông Lê Thăng Bình, Tổng giám đốc cho hay cùng với kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu sang Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, công ty tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, tìm kiếm các công nghệ mới và cải tiến để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao với tiêu chuẩn EU-GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của châu Âu). Để làm được điều này, công ty đang đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy sản xuất Dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Sản xuất tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Sản xuất tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Xu hướng tích cực của công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, tháng 8-2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) thành phố tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, nhóm ngành chủ lực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 3/4 nhóm ngành cấp 1 có mức tăng trưởng dương, gồm: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,5%.

Cục Thống kê đánh giá, trong các nhóm ngành công nghiệp, hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo có những tín hiệu phục hồi tích cực, cụ thể trong 8 tháng năm 2024: ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 52,5%; dệt tăng 40,6%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 17,4%; sản xuất đồ uống tăng 15,9%…

Nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo có đơn hàng tiêu thụ thường xuyên, duy trì ổn định; đồng thời doanh nghiệp cân đối lại khối lượng sản xuất trên đơn hàng thực tế nên mức tồn kho hàng hóa có xu hướng thấp xuống và tiêu thụ tăng lên.

Tháng 8-2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2024 tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao góp phần vào mức tăng chung như sản xuất máy móc, thiết bị tăng 202,3%; dệt tăng 32,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 22,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,1%...

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để thúc đẩy sản xuất công nghiệp nói chung và ngành chế biến, chế tạo nói riêng, sở tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Trước mắt, Sở Công Thương triển khai các hoạt động khuyến công, hỗ trợ cơ sở sản xuất nông thôn chuyển đổi dây chuyền, thiết bị sản xuất vào cuối năm 2024; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để thuận lợi trong việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao
Tháng 8-2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 như bộ phận và các phụ tùng của máy tính tăng 52%; sơn và vẹc-ni tan trong môi trường không chứa nước tăng 51%; tôm đông lạnh tăng 47,7%; bộ lọc xăng, dầu dùng cho động cơ đốt trong tăng 44%... Tính chung 8 tháng năm 2024, một số mặt hàng chủ lực đạt chỉ số tăng cao so với cùng kỳ như vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên tăng 78,6%; bộ lọc xăng, dầu dùng cho động cơ đốt trong tăng 37,8%; hộp và thùng bằng giấy nhăn và bìa nhăn tăng 36,4%; thịt cá đông lạnh tăng 32,1%...

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.