Trước những vụ việc chạm chập điện xảy ra gần đây trên địa bàn TP. Đà Nẵng mà nguyên nhân là do dây dẫn va quệt vào cây cối, mái tôn, xà sắt… khiến vấn đề an toàn điện trong nhân dân lại dấy lên lời cảnh báo. Rất mong mọi người dân đề cao cảnh giác nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Thợ điện Phan Công Huy (Điện lực Cẩm Lệ, PC Đà Nẵng) hướng dẫn an toàn điện cho người dân. |
Theo khuyến cáo, trước mùa mưa bão, khách hàng nên tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống điện sau công-tơ, nhất là các khu vực có dây dẫn đi qua vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng để phòng tránh sự cố. Mặc dù PC Đà Nẵng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn điện trong nhân dân nhưng vẫn còn nhiều trường hợp không may bị chạm chập rất nguy hiểm.
Ông Trương Công Cường (tổ 20, phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết, vừa qua, tiền điện của gia đình tăng đột ngột nên ông gọi báo và nhờ phía điện lực kiểm tra. “Gia đình tôi cũng khó khăn nên dây dẫn kéo từ trụ về nhà dùng đã lâu năm mà chưa có tiền thay mới, may sao Điện lực Hải Châu có chương trình tri ân khách hàng nên đã thay dây miễn phí cho gia đình tôi. Các chú thợ điện còn hướng dẫn tôi cách quản lý sản lượng các thiết bị điện, cài đặt app EVNCPC CSKH để theo dõi sản lượng điện sử dụng hằng ngày” - ông Cường thổ lộ.
Vừa qua, nhà thờ tộc Bùi Đức (thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) do không có người kiểm tra thường xuyên nên khi xảy ra chạm chập thì chẳng ai hay biết. Anh Phan Công Huy - Công nhân Tổ Điện kế (Điện lực Cẩm Lệ, PC Đà Nẵng) cho biết, phía Điện lực phát hiện sản lượng tăng nên chủ động liên hệ khách hàng.
Theo đó, ông Bùi Do (70 tuổi, trưởng tộc Bùi Đức) cho biết nhà thờ không dùng điện thường xuyên, lâu lâu mới có người đến hương khói. Ông Do nhờ Điện lực Cẩm Lệ đến kiểm tra thực tế thì phát hiện dòng lớn, thợ điện kiểm tra tổng thể đã phát hiện đường dây chạm vào mái tôn, thợ điện đã xử lý đảm bảo an toàn, hướng dẫn khách hàng cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
“Dây điện của nhà thờ dùng đã lâu, khi phát hiện chạm chập thì tăng 50-60 chữ/ngày, may nhờ các chú thợ điện phát hiện sớm nên hạn chế thiệt hại. Sau khi sửa chữa giúp thì phía điện lực còn tư vấn cặn kẽ, phát tờ rơi về điện, tôi thấy điện là rất nguy hiểm nên cần phải cẩn thận hơn khi sử dụng” - ông Do nói.
Tương tự, hộ khách hàng Trần Dũng (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) cũng bị chạm chập điện do dây dẫn cọ xát vào mái tôn mà không hề hay biết. Khi Điện lực Cẩm Lệ phát hiện và thông báo thì gia đình mới hú hồn, vì theo ông Dũng thì cả giàn mái hiên làm bằng tôn và sắt nên sợ lắm, kiểm tra thấy dây dẫn đã cũ nên gia đình ông thay hết dây dẫn từ trụ vào nhà, may phát hiện sớm nên cũng ít thiệt hại.
“Điện lực cũng hướng dẫn chúng tôi về an toàn điện, các kiến thức rất phù hợp với thực tế sử dụng điện. Các anh thợ điện hỗ trợ nhiệt tình, nhanh chóng, tôi đánh giá dịch vụ của ngành Điện ngày càng tốt, rất hài lòng. Qua đây mới thấy rằng điện là thiết yếu nhưng cũng rất nguy hiểm, nên trong quá trình sử dụng cần phải có kiến thức và cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị” - ông Dũng chia sẻ.
Cùng với việc rà soát chạm chập điện, trong mùa mưa bão để đảm bảo an toàn điện, PC Đà Nẵng khuyến nghị khách hàng nên kiểm tra, sửa chữa những khiếm khuyết của hệ thống điện trước mùa mưa bão; không để dây dẫn điện rò rỉ ra mái tôn, nhà cửa, cây cối, hàng rào; không lắp đặt thiết bị điện tại nơi có nguy cơ ngập nước hoặc ẩm ướt; trong nhà nên lắp đặt các thiết bị đóng, cắt chống dòng rò chất lượng cao.
Đặc biệt, tuyệt đối không trú tránh dưới cột điện, gần công trình điện khi trời mưa, giông sét, không chạm vào dây chằng, dây nối đất, thùng công-tơ và các kết cấu khác. Khi phát hiện dây điện đứt, cây ngã đổ vào đường dây, trạm điện, móng cột sạt lở… thì không cho người, vật nuôi lại gần và báo ngay cho đơn vị quản lý điện hoặc chính quyền, công an địa phương biết; cắt cầu dao điện, aptomat tổng trong nhà khi bị mưa ngập các tủ điện, ổ điện để tránh rò điện dẫn tới tai nạn; không di chuyển trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát với mặt nước; không buộc gia súc và thuyền bè vào cột điện.
“Công ty cũng đã phối hợp với các phường, xã trên địa bàn thành phố để tuyên truyền an toàn điện cho người dân; tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng, biển quảng cáo có nguy cơ ngã đổ vào đường dây, các khu vực xung yếu, các vị trí có nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, các điểm có dây công-tơ của các hộ dân kéo chằng chịt, không đảm bảo an toàn để xử lý kịp thời. Nếu xảy ra lụt bão gây ảnh hưởng đến hệ thống điện, công ty sẽ tổ chức rà soát tất cả điều kiện an toàn điện trong khu vực; thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân biết rõ thông tin; chỉ thực hiện đóng điện khi biết chắc chắn đường dây, công trình điện đã được kiểm tra, xử lý an toàn, đảm bảo không để xảy ra tai nạn điện trong nhân dân” - ông Nguyễn Thái Hùng (Trưởng phòng An toàn, PC Đà Nẵng) cho biết.
Lê Hải