Kinh tế Đà Nẵng tiếp đà tăng trưởng

.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng năm 2024 của Cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng của thành phố ước tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2023, riêng GRDP quý 3 ước tăng 8,59% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả tích cực, tạo đà để thành phố hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024 đạt kết quả tốt nhất.

Đóng góp cho tăng trưởng của ngành dịch vụ 9 tháng qua, có thể kể đến như nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 16,145%. TRONG ẢNH: Du khách trãi nghiệm chương trình lễ hội tại Khu du lịch Sun World Bana Hills . Ảnh: THU HÀ
Đóng góp cho tăng trưởng của ngành dịch vụ 9 tháng qua, có thể kể đến như nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 16,145%. TRONG ẢNH: Du khách trãi nghiệm chương trình lễ hội tại Khu du lịch Sun World Bana Hills. Ảnh: THU HÀ

Quy mô nền kinh tế hơn 111.589 tỷ đồng

Theo báo cáo, trong mức tăng 6,47% toàn nền kinh tế 9 tháng qua, khu vực dịch vụ tăng 6,96% so với cùng kỳ năm 2023; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,03%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) tăng 6,51%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,79%.

Quy mô nền kinh tế thành phố trong 9 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 111.589 tỷ đồng, mở rộng hơn 11.726 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với hơn 9.043 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng hơn 1.551 tỷ đồng; khu vực thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) tăng 1.066 tỷ đồng và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản mở rộng 65 tỷ đồng.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 9 tháng, khu vực dịch vụ chiếm 70,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,43%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 9,05% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 1,76%.

Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố, riêng quý 3-2024, khu vực dịch vụ tăng ước đạt 8,21% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp cho tăng trưởng của ngành dịch vụ 9 tháng qua có thể kể đến như nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 16,145%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 14,49%; hoạt động hành chính và hỗ trợ tăng 14,5%; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô-tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 11,43%...

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2,46 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 5,1%; nhập khẩu ước đạt 1,01 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu 442 triệu USD.

Tính chung 9 tháng năm 2024, ngành công nghiệp tăng 4,31% và ngành xây dựng tăng 7,19% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) thành phố tăng 5,36% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,45%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,21%; hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%; riêng hoạt động khai khoáng giảm 40,28%. Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng đáng kể so với cùng kỳ như: ngành dệt tăng 38,57%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,69%; sản xuất đồ uống tăng 13,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,46%...

Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Go! Đà Nẵng. Ảnh: C.THẮNG
Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Go! Đà Nẵng. Ảnh: C.THẮNG

Tập trung triển khai các giải pháp

Theo đánh giá của Cục Thống kê, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều dự báo khó khăn, song dư địa tăng trưởng của thành phố năm 2024 có tín hiệu khả quan. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn quý 3 đạt khá với 8,59%, cao hơn mức tăng 2,49% của quý 1 và 8,09% của quý 2 năm 2024, trong đó động lực của năm 2024 là sự hồi phục của sản xuất công nghiệp, đóng góp của hoạt động xuất khẩu hàng hóa và trụ đỡ chính từ ngành dịch vụ.

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố cho biết, để bảo đảm ổn định và duy trì đà phát triển kinh tế, đề xuất, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động; duy trì thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thành phố cần tiếp tục thúc đẩy cải cách tài chính và ngân hàng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế, có các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, 3 tháng cuối năm, sở tập trung vào các nhiệm vụ trọng để thực hiện Nghị quyết số 136/2024/NQ15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực công thương: xây dựng dự thảo đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; tham mưu UBND thành phố trình HĐND về ban hành dự thảo nghị quyết quy định cụ thể các nội dung của dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ.

Bên cạnh đó, sở phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các thủ tục, bảo đảm tiến độ triển khai chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam; tham mưu thành lập Cụm công nghiệp Hòa Liên…; triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5-6-2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có phần khởi sắc khi số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương với 1.436 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc).

Hoạt động đầu tư được tập trung đẩy mạnh, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể tính đến ngày 30-9, giải ngân đầu tư công đạt 3.654,5 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch Chính phủ giao và bằng 41,1% kế hoạch HĐND thành phố giao, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được HĐND thành phố thông qua và các chính sách do Trung ương ban hành nhằm hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung các giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo nhiệm vụ được giao.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 7,1%
Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 23.814 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2023. Thành phố thu hút được 30,97 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI); cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.927 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 9.879 tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2023. 

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích