ĐNO - Ngày 4-10, đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ cho biết đã có chuyến thăm và làm việc tại Đại học New South Wales (UNSW), Trung tâm Đào tạo về Công nghệ an toàn và Vật liệu chống cháy, Trung tâm Khoa học Carbon và Đổi mới sáng tạo của Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC).
Đoàn công tác và đại diện Đại học New South Wales chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đoàn công tác cung cấp. |
Đây là hoạt động nhằm mở rộng hợp tác quốc tế của Đà Nẵng với các cơ sở nghiên cứu tại Úc trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới.
Tại UNSW, đoàn công tác cùng đại diện của UNSW đã thảo luận về khả năng hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, kinh nghiệm trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo của hai bên; tầm quan trọng của việc kết nối giữa các ngành học, doanh nghiệp và chính quyền trong việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Được biết, UNSW là một trong những đơn vị đào tạo hàng đầu trong các lĩnh vực như kỹ thuật, công nghệ thông tin, và an ninh mạng, cũng như tham gia nhiều dự án nghiên cứu quốc tế với hơn 200 đối tác toàn cầu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc tại Trung tâm Đào tạo về Công nghệ An toàn và Vật liệu Chống cháy của ARC.
Hai bên đã trao đổi về các cơ hội hợp tác trong tương lai. Đoàn công tác cũng bày tỏ sự quan tâm đến các nghiên cứu về công nghệ nano và vật liệu sinh học chống cháy, mô hình dập lửa sáng tạo. Đây là lĩnh vực rất phù hợp với định hướng của Đà Nẵng trong việc phát triển đô thị thông minh và bền vững, với sự chú trọng vào an toàn cháy nổ và quản lý môi trường.
Tại Trung tâm Khoa học Carbon và Đổi mới sáng tạo (COE-CSI), đoàn công tác đã thảo luận về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến năng lượng sạch và sản xuất hóa chất xanh, góp phần vào mục tiêu phát thải bằng không của Đà Nẵng.
Trong chiều ngày 3-10, đoàn công tác đến thăm Đại học Sydney, một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu tại Úc.
Tại đây, đoàn đã tham gia các buổi làm việc và thảo luận cùng các giáo sư và chuyên gia trong lĩnh vực chíp, bán dẫn và điện tử viễn thông; những xu hướng mới trong công nghệ điện tử viễn thông, trong đó, tập trung trong vấn đề tối ưu hóa hiệu suất, các ứng dụng và thảo luận về khả năng hợp tác trong tương lai. Qua đó, mở rộng mạng lưới kết nối, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chíp và điện tử viễn thông tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam trong tương lai.
VĂN HOÀNG