Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10:

Doanh nghiệp Đà Nẵng đổi mới và phát triển

.

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thành phố Đà Nẵng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách địa phương; làm tốt công tác an sinh xã hội, khẳng định vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân đối với cộng đồng.

Nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng đã và đang vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu, góp phần đưa thương hiệu Việt ra thế giới và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Trong ảnh: Nghiên cứu và sản xuất phần mềm tại FPT Software Da Nang. Ảnh: MAI QUẾ
Nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng đã và đang vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu, góp phần đưa thương hiệu Việt ra thế giới và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. TRONG ẢNH: Nghiên cứu và sản xuất phần mềm tại FPT Software Da Nang. Ảnh: MAI QUẾ

20 năm, số lượng doanh nghiệp tăng 10 lần

Các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của các cấp chính quyền tạo động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng phát triển mạnh mẽ. Lãnh đạo thành phố luôn thể hiện cam kết đồng hành với doanh nghiệp thông qua nhiều hành động cụ thể, đặc biệt 2 năm liên tiếp 2014-2015, Đà Nẵng chọn chủ đề năm là “Năm doanh nghiệp”. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, chính quyền thành phố đang triển khai 15 chính sách hỗ trợ của địa phương. Nhiều hoạt động hỗ trợ được chính quyền thành phố thực hiện như hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường, tổ chức kết nối cung cầu, khuyến công, hỗ trợ thuế, phí.

Lũy kế đến ngày 25-9-2024, thành phố có 40.961 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 257.708 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần về số lượng doanh nghiệp và tăng hơn 34 lần về tổng vốn đăng ký so với năm 2004. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 ước đạt 1,454 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2004. Lũy kế thu ngân sách 9 tháng năm 2024 từ 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh) là 8.919,7 tỷ đồng, chiếm 52,5% số thu nội địa của thành phố. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng đã và đang vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu, góp phần đưa thương hiệu Việt ra thế giới và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dược Danapha, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (thứ 5, bên trái sang) chúc mừng kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam tại chương trình của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng. Ảnh: M.Q
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (thứ 5, bên trái sang) chúc mừng kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam tại chương trình của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng. Ảnh: M.Q

Nỗ lực đạt nhiều kết quả tốt hơn

Các hội, hiệp hội tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền với nhiều hoạt động thiết thực như kết nối kinh doanh; đóng góp ý kiến, tập hợp nguyện vọng hợp lý của cộng đồng doanh nghiệp để gửi tới chính quyền thành phố quan tâm, giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình như Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, từ 36 hội viên từ khi mới thành lập vào năm 2000, đến nay hội có 750 hội viên, tăng hơn 20 lần. Hằng năm, các doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nhân trẻ giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 người lao động, tạo ra doanh thu khoảng 40.000 tỷ đồng, đóng góp ngân sách 1.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD.

Ông Lê Trí Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp hội viên cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố, Hội Doanh nhân trẻ tiếp tục tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới kết nối nội bộ và mở rộng bên ngoài để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh. Bên cạnh đó, hội hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối với các tổ chức quốc tế do thành phố tổ chức; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trong khi đó, Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng trải qua gần 15 năm hoạt động với số lượng hội viên hiện nay là 150 doanh nhân, 7 ban chuyên môn. Bà Huỳnh Thị Cúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng cho hay, định hướng của hiệp hội tiếp tục vai trò dẫn dắt phụ nữ làm chủ tài chính, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố; tham gia có trách nhiệm trong xây dựng và phản biện các chính sách, đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Hiệp hội cũng chú trọng tạo môi trường cho doanh nghiệp kết nối, giao lưu, quảng bá sản phẩm doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau, hướng tới phát triển bền vững, sản xuất xanh.

Nhìn lại sau hai thập kỷ, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có những tăng trưởng tích cực, thể hiện rõ vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trong quá trình phát triển, bên cạnh sự đồng hành của các chính quyền, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thông tin về chính sách, quy hoạch của thành phố, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước trên cơ sở tầm nhìn, chiến lược và quy hoạch của thành phố để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.