Triển khai chính sách đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quán triệt, triển khai các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có một số chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Một trong những chính sách đó là thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon từ nguồn vốn ngân sách thành phố đầu tư được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Sở TN&MT cho biết chính sách này tương tự với Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng được xem là chính sách hoàn toàn mới tại Việt Nam.

Theo cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, trong tương lai, các quốc gia, kể cả Việt Nam, các chủ thể có phát thải khí nhà kính sẽ lựa chọn thị trường carbon quốc tế để giao dịch, trao đổi tín chỉ carbon nên việc chủ động tham gia sớm là rất cần thiết.

Trong khi chờ phát triển thị trường carbon trong nước với các tiêu chuẩn đo đạc, kiểm định, xác nhận tín chỉ... theo quy định, thành phố Đà Nẵng nhận thấy cần chủ động tiếp cận với thị trường tín chỉ carbon quốc tế để có thêm kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc giao dịch tín chỉ carbon với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế. Việc này là hoàn toàn phù hợp và rất cần thiết cho cả Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Triển khai, thực hiện chính sách nói trên, từ nay đến cuối quý 3-2025, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước, quốc tế để giao dịch (nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%).

Sở tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.

Về chính sách đặt hàng khối lượng chất thải rắn (rác) sinh hoạt đối với nhà đầu tư đang triển khai, thực hiện dự án xử lý rác (nhà đầu tư này đang chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý rác có thu hồi năng lượng), Sở TN&MT tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng rác sinh hoạt được đặt hàng. Đồng thời, sở tham mưu UBND thành phố xem xét, quyết định theo hình thức đặt hàng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm theo quy định (hoàn thành trong quý 2-2025).

Thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, Sở TN&MT cũng tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đối với việc thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của UBND thành phố; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, UBND các quận, huyện trong phạm vi Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp; tham mưu UBND thành phố ban hành quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các thủ tục nói trên.

NAM TRÂN

;
;
.
.
.
.
.