Cần tìm hiểu thông tin quy hoạch khi mua đất ở

.

Đất tái định cư có sổ đỏ vốn được xem là sự bảo đảm pháp lý an toàn cho người mua, bởi đây là đất bố trí cho những hộ dân trong diện giải tỏa. Tuy nhiên, thực tế có không ít người rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi mua phải đất tái định cư vẫn bị “dính” quy hoạch; mua đất dự án nhưng không được sử dụng hết diện tích.

Người dân mua đất tại khu tái định cư Khánh Sơn 1 bị dính quy hoạch nên chỉ được cấp phép xây dựng nhà có thời hạn. TRONG ẢNH: Một góc khu tái định cư Khánh Sơn 1. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Người dân mua đất tại khu tái định cư Khánh Sơn 1 bị dính quy hoạch nên chỉ được cấp phép xây dựng nhà có thời hạn. TRONG ẢNH: Một góc khu tái định cư Khánh Sơn 1. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Mua đất tái định cư vẫn “dính” quy hoạch

Hiện nay, tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, các dự án quy hoạch liên tục được triển khai và điều chỉnh dẫn đến việc một số lô đất tái định cư, dù đã có “sổ đỏ”, vẫn bị đưa vào quy hoạch mới mà người mua đất không hề hay biết. Anh Trần Ngọc Hưng (quê Quảng Bình) là một ví dụ. Đầu tháng 11-2024, sau khi bán căn nhà ở quận Ngũ Hành Sơn, anh Hưng được bạn giới thiệu mua lô đất tại khu tái định cư Khánh Sơn 1, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu).

Đáng nói là khi đến UBND quận Liên Chiểu để làm giấy phép xây dựng, anh Hưng mới “té ngửa” lô đất mới mua bị “dính” quy hoạch nên chỉ được cấp phép xây dựng nhà có thời hạn. “Đất tái định cư đáng lẽ phải là nơi ổn định lâu dài, nhưng khi mua rồi đến xin giấy phép xây dựng tôi mới hay đất lại bị quy hoạch. Bây giờ có đất cũng chẳng dám xây nhà bởi cơ quan cấp phép xây dựng đã cảnh báo: được phép xây nhà nhưng không cho nhà vào sổ được và giấy phép xây dựng cũng ghi rõ sau này tự tháo dỡ, không được đền bù nhà khi nhà nước triển khai dự án”, anh Hưng cho hay.

Qua tìm hiểu, không riêng trường hợp của anh Hưng, hàng chục hộ dân khác mua đất hoặc được bố trí đất tại khu tái định cư Khánh Sơn 1 cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Thiện Chương, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, đất tái định cư tiếp tục bị quy hoạch không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tạo ra những tác động tâm lý nặng nề cho người dân. Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát quy hoạch trước khi bố trí tái định cư.

Cũng theo ông Chương, do tốc độ phát triển nhanh của các đô thị lớn khiến quy hoạch thường xuyên thay đổi, kéo theo việc mở rộng hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và các dự án công cộng. Mặt khác, trong khi lập quy hoạch, các cơ quan quản lý không phối hợp chặt chẽ dẫn đến việc các khu đất tái định cư nằm trong phạm vi quy hoạch mới. Để xác minh đất không nằm trong diện quy hoạch hoặc giải tỏa, người dân có thể tra cứu thông tin tại văn phòng đăng ký đất đai hoặc Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu để tránh rủi ro khi mua đất.

Trao đổi thêm với chúng tôi, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu Trần Quang Vũ cho biết, khu tái định cư Khánh Sơn 1 có một số lô đất nằm trong bán kính quy hoạch 1.000m về ảnh hưởng môi trường của bãi rác Khánh Sơn, nên theo quy định những trường hợp này chỉ được cấp phép xây dựng nhà có thời hạn. Hiện nay, quận đang kiến nghị thành phố quy hoạch bán kính ảnh hưởng của khu vực này giảm xuống còn 500m để hạn chế ảnh hưởng cho hộ dân tại khu tái định cư Khánh Sơn 1.

Không được cấp phép xây dựng đủ đất  ghi trên sổ đỏ

Cùng nỗi lo lắng như người dân mua đất tại khu tái định cư Khánh Sơn 1, nhiều người mua đất tại khu E - khu phức hợp đô thị, thương mại cao tầng Phương Trang (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cũng mang tâm trạng bực bội.

Anh Nguyễn Hữu Tuệ (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho hay: “Gia đình tôi đã mua lô đất 100m2 tại đường Hòa Phú 28 thuộc khu E - khu phức hợp đô thị, thương mại cao tầng Phương Trang với giá hơn 4 tỷ đồng, nhưng khi làm thủ tục xây dựng lại được thông báo chỉ xây được trên 95m2. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy bị thiệt thòi vì trả tiền mua đất là cho cả 100m² chứ không phải 95m2”.

Cũng như anh Tuệ, chị Nguyễn Thị Xuân (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) mua một lô đất tại khu đô thị này có diện tích ghi trong “sổ đỏ” 100m2. Thế nhưng, khi chị Xuân thuê đơn vị thiết kế nhà thì kiến trúc sư lại tư vấn khu đô thị này không được cấp phép xây dựng phía sau, phải để khoảng lùi 1m. “Khi tôi mua đất ở khu đô thị này, “sổ đỏ” ra công chứng, sang tên ghi đầy đủ diện tích 100m2, tiền đóng thuế sang tên cũng đủ 100m2 mà giờ lại không được cấp phép xây dựng đủ đất ghi trên sổ”, chị Xuân bức xúc trình bày.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng cho biết, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-UBND ngày 11-2-2017 về việc phê duyệt thiết kế đô thị và quy định quản lý kiến trúc, xây dựng khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng Phương Trang. Theo đó, đối với trường hợp nhà giáp đường quy hoạch có mặt cắt lòng đường < 7,5m, chỉ giới xây dựng mặt tiền công trình lùi vào tối thiểu 1,2m so với chỉ giới đường đỏ; ban công được vươn ra 1,2m; chỉ giới xây dựng mặt sau công trình cách 1m so với ranh giới đất và không vươn ra ban công. Trường hợp nhà giáp đường quy hoạch có mặt cắt lòng đường >10,5m hoặc đường có dải phân cách ở giữa (đường đôi 5,5m; 7,5m; 10,5m); chỉ giới xây dựng mặt tiền công trình lùi vào tối thiểu 1,5m so với chỉ giới đường đỏ…

Cũng theo Sở Xây dựng, việc chỉ cho phép xây dựng trên 90% diện tích đất ở một khu đô thị, khu dân cư là do yếu tố quy hoạch tổng thể của từng khu vực. Việc giữ lại một phần diện tích đất trống có thể nhằm phục vụ các tiện ích chung như đường đi bộ, cây xanh, hoặc các công trình công cộng khác.

Vấn đề diện tích xây dựng hạn chế so với diện tích đất mua đang trở thành một nỗi bức xúc cho nhiều người dân. Vì vậy, việc minh bạch thông tin ngay từ đầu cũng như điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tế sẽ là bước đi cần thiết để giải quyết tình trạng này, từ đó bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.